Trung - Ấn chạy đua 'ngoại giao vắc xin' COVID-19

Quốc tế - Ngày đăng : 07:30, 27/01/2021

Khi Ấn Độ tuyên bố cung cấp miễn phí 10 - 20 triệu liều vắc xin COVID-19 cho nhiều quốc gia khác vào tuần trước, kênh truyền hình cánh hữu Republic phát bản tin với tựa đề “Một số nước lây lan bệnh tật, một số khác đem đến liều thuốc chữa”.

Tựa đề trên dường như không chỉ muốn ám chỉ đến Trung Quốc – nơi ghi nhận dịch bệnh đầu tiên, mà còn làm nổi bật vị thế nhà sản xuất hàng đầu thế giới của Ấn Độ – quốc gia đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc trong nỗ lực triển khai "ngoại giao vắc xin".

Viện Huyết thanh Ấn Độ đang sản xuất hàng triệu vắc xin Covishield do hãng AstraZeneca hợp tác đại học Oxford phát triển, các lô hàng bắt đầu được gửi đến Maldives, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Myanmar, Mauritius, Seychelles. Sri Lanka cùng Campuchia cũng chuẩn bị nhận hàng. Tất cả đều miễn phí.

Trong khi đó Trung Quốc ngỏ ý cung cấp miễn phí vắc xin cho Myanmar và Philippines. Bangladesh vốn dĩ cũng được phân phối 110.000 liều vắc xin của công ty Sinovac, nhưng do chính quyền Dhaka từ chối đóng góp tài chính cho phát triển sản phẩm nên mọi chuyện rơi vào bế tắc. Nepal vẫn chưa phê duyệt sử dụng vắc xin của Sinovac.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đăng bài nhận định ngành sản xuất dược Ấn Độ không đủ khả năng phục vụ chính sách ngoại giao vắc xin mà giới chức nước này theo đuổi. Tờ The Times of India lập tức đáp trả bằng bài “Trung Quốc thực hiện chiến dịch bôi nhọ ngoại giao vắc xin của Ấn Độ”.

Theo cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ Sarvajit Chakrabarty, loạt bài trên phản ánh cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng giữa hai nước: “Nhiều người Ấn Độ xem vắc xin COVID-19 là cơ hội để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Nam Á”.

india00.jpg
Vắc xin của Ấn Độ đến Dhaka (Bangladesh) ngày 21.1 - Ảnh: AP

Là nơi đặt nhà máy của nhiều đơn vị sản xuất, Ấn Độ cung cấp đến 60% lượng vắc xin toàn cầu. Đầu tháng qua họ khởi động chương trình chủng ngừa cho 30 triệu nhân viên y tế trên khắp đất nước bằng vắc xin Covishield cùng sản phẩm “nhà làm” Covaxin.

Ngoại trưởng Harsh Vardhan Shringla sau đó thông báo kế hoạch cung cấp vắc xin miễn phí (lô đầu tiên) cho quốc gia khác, và khoảng 92 nước muốn ký hợp đồng mua hàng.

Phát huy tác dụng

Tại Bangladesh, món quà 2 triệu liều Covishield cùng thỏa thuận mua thêm 30 triệu liều nữa đã phát huy tác dụng ngoại giao.

Vài năm qua quan hệ Bangladesh - Ấn Độ khá căng thẳng do luật cấp quyền công dân Ấn gây tranh cãi và bất đồng quanh vấn đề chia sẻ nước trên sông Teesta River. Phe đối lập cùng một số phương tiện truyền thông tại Bangladesh vài tuần qua tỏ ý nghi ngờ trước thiện chí từ nước láng giềng.

Nhưng khi vắc xin COVID-19 đến Dhaka tuần trước, Bộ trưởng Y tế Bangladesh Zahid Maleque ca ngợi vắc xin Covishield (hàng Ấn Độ sản xuất) khi có thể trữ được ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường. Cựu Bô trưởng Thông tin - Truyền thông Tarana Halim thì phát biểu với báo giới: “Tôi sẽ chỉ tiêm vắc xin Ấn Độ. Tôi sẽ nhượng bộ chuyện khác”.

Nhà báo Sukhoranjan Dasgupta chuyên viết về Bangladesh nhận quan hệ giữa hai nước vẫn bền chặt bất chấp vài bất đồng. Vắc xin COVID-19 có thể cứu vãn quan hệ.

Nepal - quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ - cũng lấy làm biết ơn vì lô vắc xin miễn phí. Giới chức nước này đã phê duyệt sử dụng Covishield. Bộ trưởng Y tế Hridayesh Tripathi tuyên bố Ấn Độ đã thể hiện thiện chí ở cấp độ ngoại giao nhân dân.

Giáo sư chính trị Sabyasachi Basu Ray Chaudhury thuộc đại học Rabindra Bharati đánh giá lô vắc xin Ấn Độ gửi đến rất đúng lúc, góp phần cải thiện thái độ của người dân Nepal đối với cường quốc Nam Á. Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli đang ngày càng nghiêng về Ấn Độ.

india01.jpg
Vắc xin Ấn Độ được giới chức y tế Nepal phê duyệt sử dụng, vắc xin Trung Quốc thì bị yêu cầu nộp thêm dữ liệu để xem xét - Ảnh: SCMP

"Ngoại giao vắc xin" phải phối hợp chính sách khác

Xa hơn Nam Á, quốc gia Đông Nam Á là Campuchia cũng đề nghị Ấn Độ cung cấp 1 triệu liều vắc xin mặc dù vừa nhận số lượng tương tự từ Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Baladas Ghoshal thuộc đại học Jawaharlal Nehru: “Lời đề nghị giúp nâng cao đáng kể uy tín của Ấn Độ tại châu Á. Không ai từng hy vọng chính quyền thân Trung Quốc ở Campuchia tìm kiếm giúp đỡ từ nước khác cả”.

Tuy nhiên, tác dụng mà "ngoại giao vắc xin" mang lại sẽ chỉ tồn tại thời gian ngắn nếu Ấn Độ không triển khai chính sách thực chất hơn như đầu tư, viện trợ phát triển, hợp tác chiến lược.

Nhà nghiên cứu Manoj Joshi thuộc tổ chức Observer Research không cho rằng Ấn Độ nhận được nhiều lợi ích từ "ngoại giao vắc xin" như Trung Quốc nhận được, vì chính quyền New Delhi không đủ khả năng cung cấp các khoản vay và trang thiết bị quân sự như đối thủ Bắc Kinh thực hiện.

Giáo sư Paula Banerjee thuộc đại học Calcutta cũng kêu gọi Ấn Độ nên cần hành động nhiều hơn. Có như vậy mới giữ được những gì "ngoại giao vắc xin" đem lại.

Cẩm Bình