Hai học sinh lớp 11 sáng chế dung dịch đuổi muỗi thân thiện môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:18, 03/07/2017
Dung dịch đuổi muỗi từ thảo dược
Lý Huỳnh Vĩnh Hưng và Huỳnh Quang Uyển Nhi là học sinh lớp 11A8 trường THPT Hà Huy Giáp (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Sau 7 tháng nghiên cứu, mày mò, các em đã sáng chế thành công dung dịch đuổi muỗi thân thiện với môi trường.
Với sáng chế này, các em đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.Cần Thơ. Ngoài những kiến thức các em tiếp thu được từ chương trình học, sáng chế còn là thành quả của sự kiên nhẫn, cần mẫn, nghiêm túc trong nghiên cứu hiếm thấy ở lứa tuổi học sinh.
Từ năm học lớp 10, Hưng và Nhi đã “lọt vào mắt xanh” của thầy Phan Văn Nhân, giáo viên môn Sinh học. Thầy cũng là người nhận trách nhiệm ôn luyện cho các em học sinh giỏi Sinh đi thi cấp thành phố, quốc gia. Trong những giờ học hay các buổi nói chuyện vui vẻ giữa thầy và trò, thầy Nhân gợi ý cho các học sinh tư duy để có những đề tài nghiên cứu về sinh học.
Nhận thấy muỗi là tác nhân gây nhiều căn bệnh cho người dân, Hưng và Nhi đề xuất nghiên cứu, tìm hiểu ra chất có thể đuổi hoặc diệt muỗi. Thấy đề tài thú vị, thầy Nhân giao cho 2 học sinh này nghiên cứu tạo ra chất để đuổi muỗi.
Thầy Nhân và cậu học trò
Nhận nhiệm vụ, Hưng và Nhi bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu về muỗi. Đặc biệt, các em tập trung vào nghiên cứu các hoạt chất có từ cây cỏ, dược liệu có thể khắc chế được muỗi.
“Tôi hướng cho các em nghiên cứu để sáng chế ra hợp chất có khả năng đuổi muỗi chứ không phải là dung dịch để diệt muỗi. Vì nếu tìm dung dịch để diệt muỗi thì khả năng sau một thời gian muỗi sẽ kháng thuốc, như vậy thuốc sẽ mất tác dụng”, thầy Nhân nói.
Cây ngũ gia bì được chọn là nguyên liệu chủ đạo trong dung dịch đuổi muỗi thân thiện của Hưng và Nhi. Ngoài ra, cây sả, vỏ bưởi cũng là những nguyên liệu được các em đưa vào sản phẩm của mình.
“Cây ngũ gia bì có mùi vị rất dịu nhẹ và dễ chịu khi vò lá lại. Đặc biệt là muỗi lại rất sợ mùi này và thường tránh xa. Do đó, chúng em chọn đây là nguyên liệu chính”, Hưng nói.
Các em bắt tay vào nghiên cứu để chiết xuất những tinh chất từ những nguyên liệu này. Ban đầu các em ly trích bằng nước ấm để lấy các tinh chất. Nhưng với cách này, dung dịch đuổi muỗi vẫn có tác dụng nhưng không bảo quản được lâu vì bị vi sinh tấn công.
Không bỏ cuộc, Vinh và Hưng tiếp tục thay nước ấm bằng cồn để ly trích các tinh chất có trong lá cây ngũ gia bì, sả và vỏ bưởi. Với phương pháp này, hỗn hợp dung dịch đuổi muỗi có thể bảo quản trong môi trường bình thường từ 4 - 5 tháng. “Mình có thể thêm vỏ cam vỏ quýt để tăng hoạt tính của dung dịch”, Nhi chia sẻ.
Hưng cho biết, để bào chế thành công 1 lít dung dịch đuỗi muỗi thân thiện cần 300 gram lá ngũ gia bì cùng 50 gram sả và vỏ bưởi. Sau khi ngâm các nguyên liệu trên vào cồn hoặc rượu nguyên chất khoảng 36 giờ là có thể thu được thành phẩm. Sau khi bào chế thành công, các em đã đem thử nghiệm và thu được kết quả rất khả quan.
Còn ấp ủ rất nhiều ý tưởng
“Suốt quá trình nghiên cứu, chúng em chỉ nghĩ là mình làm một việc gì đó để đóng góp cho xã hội chứ không nghĩ đến điều gì khác. Lúc biết sản phẩm của mình đoạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.Cần Thơ, chúng em rất bất ngờ và hạnh phúc”. Đó là lời chia sẻ rất hồn nhiên của Uyển Nhi khi nói về sản phẩm dung dịch đuổi muỗi thân thiện của mình.
Cây ngũ gia bì, nguyên liệu chính để tạo ra dung dịch đuổi muỗi
Hưng chia sẻ thêm, trong quá trình làm việc chung, các em đã phân chia công việc rất rõ ràng. Ngoài những giờ làm việc chung trong phòng thí nghiệm, Nhi có nhiệm vụ đi tìm các nguyên liệu, Hưng lo các số liệu và viết báo cáo. “Có những lúc tụi em cũng bất đồng ý kiến rồi giận nhau, nhưng chỉ sáng đến chiều là làm lành lại”, Hưng nói.
Nhi kể lại kỷ niệm mà mình không thể nào quên trong quá trình nghiên cứu: “Sau những lần thất bại, nguyên liệu của tụi em đã hết, nhất là cây ngũ gia bì hơi khó kiếm. Em chạy khắp nơi để tìm rồi xin người ta. Có chú kia nhà có cây ngũ gia bì nhưng em xin nhiều quá nên chú không cho em nữa. Em và Hưng không biết làm sao, cuối cùng phải gọi điện cầu cứu thầy Nhân, thầy phải đứng ra xin giúp tụi em”, Nhi kể lại.
Cha mẹ của cả Hưng và Nhi đều là những người làm ăn, buôn bán ở chợ Cờ Đỏ. Do công việc bận rộn nên không thể quan tâm hết việc nghiên cứu của con cái. Hưng tâm sự, mỗi lúc gặp thất bại trong công việc sáng chế ra dung dịch đuổi muỗi, em thường tránh không kể cho gia đình. Hưng nói: “Cha mẹ tuy không biết quá trình tụi em thực hiện như thế nào nhưng luôn ủng hộ em trong việc nghiên cứu để tạo ra sản phẩm đuổi muỗi thân thiện này”.
Cả Hưng và Nhi hiện đều ấp ủ bước vào ngành y để trở thành những bác sĩ đóng góp cho xã hội. Hưng chia sẻ, trong thời gian tới em sẽ tiếp tục tìm hiểu để nghiên cứu về những cây dược liệu để bào chế thuốc. Hưng “bật mí” em đang ấp ủ nghiên cứu những phương thuốc chữa bệnh ung thư.
Bản thân Hưng biết đây là một điều còn quá xa vời nhưng cậu học trò nhỏ này luôn tự động viên mình không dừng lại mà cứ tiến tới phía trước. Thầy Nhân cho biết, trong năm học tới sẽ tiếp tục rèn luyện để Hưng và Nhi có thể phát huy hết khả năng của mình.
Cây ngũ gia bì (tên khoa học là Acanthopanax aculeatus) và còn có các tên khác như xuyên gia bì, thích gia bì, là cây thân gỗ cao 2 - 3m. Cây có nhiều lá xum xuê, thân màu trắng ngà, vỏ dày.
Ngoài tác dụng đuổi muỗi, trong Đông y, ngũ gia bì có tác dụng trừ phong thấp, mạnh gân cốt, tư bổ can thận, bổ tỳ dương, giảm đau nhức, tăng cường sức bền của cơ bắp, tiêu thũng, trục ứ, thông dương khí.
Thông thường, người ta hay trồng cây ngũ gia bì vừa để làm cảnh trong nhà vừa dùng để đuổi muỗi. Cây ngũ gia bì cũng rất dễ trồng, chỉ cần nhánh đủ điều kiện, cắm xuống đất là đã có thể nhân giống.
Thanh Ngọc