Chính quyền Biden khôi phục viện trợ cho người Palestine, đảo ngược chính sách của ông Trump

Quốc tế - Ngày đăng : 14:20, 27/01/2021

Chính quyền Biden tiếp tục thực hiện những cải cách trong chính sách, lần này là đảo ngược chính sách của Mỹ đối với Trung Đông của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
biden-abbas-3f86f235a645bd5a272367c5993d98066e74da98-s800-c85.jpg
Phó Tổng thống khi đó là Biden, bên trái và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ở Ramallah vào năm 2016.

Chỉ sáu ngày sau khi nhậm chức, Chính quyền Biden đã có một bước ngoặt lớn trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Họ tuyên bố sẽ khôi phục liên lạc với các nhà lãnh đạo Palestine và khôi phục các khoản đóng góp của Mỹ cho cơ quan của Liên hợp quốc viện trợ cho người Palestine.

Những thay đổi đã được Richard Mills, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, công bố trong một bài phát biểu được ghi hình trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Mills cũng cho biết chính quyền mới cam kết thực hiện một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine, với một Israel an toàn bên cạnh một "nhà nước Palestine có khả thi". Mills cho biết đây là "cách tốt nhất để đảm bảo cho tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước dân chủ và Do Thái."

Phát biểu trên cho thấy có sự bác bỏ đối với chính sách của Tổng thống Donald Trump trong 4 năm qua, vốn dành ưu tiên áp đảo các lợi ích của chính phủ cánh hữu Israel. Chính quyền Trump đã đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington, D.C.; tạm dừng đóng góp cho Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên hợp quốc, đây là cơ quan cung cấp viện trợ cho người tị nạn Palestine và con cháu của họ; chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, đồng thời công nhận thành phố này là thủ đô của Israel; công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan bị chiếm đóng; và trình bày một đề xuất hòa bình khiến tất cả các khu định cư ở Bờ Tây của Israel được giữ nguyên.

Mills nhắc lại chính sách lâu đời của Mỹ trước chính quyền Trump, kêu gọi cả hai bên tránh các hành động đơn phương có thể gây tổn hại cho các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình: "sát nhập lãnh thổ, hoạt động dàn xếp, hành động tàn phá, kích động bạo lực và bồi thường cho cá nhân bị bỏ tù vì hành vi khủng bố".

Mills thừa nhận mối quan hệ giữa hai bên hiện đang "ở mức vực thẳm". Nhưng ông nói thêm: "Chúng tôi hy vọng có thể bắt tay vào làm việc để từng ngày xây dựng lòng tin cho cả hai bên nhằm tạo ra một môi trường mà chúng ta có thể một lần nữa đưa ra một giải pháp toàn vẹn".

Trong nhận xét của mình, Mills không đề cập đến việc đảo ngược quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem hay việc Mỹ công nhận quyền cai trị của Israel đối với Cao nguyên Golan. Và ông cho biết Mỹ "sẽ duy trì sự ủng hộ kiên định đối với Israel".

Mills cũng ca ngợi việc Mỹ đã làm trung gian thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel với một số quốc gia Ả Rập, đã diễn ra trong năm vừa qua. Người Palestine coi đó là một sự phản bội đối với những cam kết Ả Rập, đó là sẽ chỉ làm hòa với Israel sau khi người Palestine đã làm hòa.

Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ Israel trong suốt sự nghiệp của mình và đã quen biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được nhiều thập kỷ, mặc dù quan hệ giữa hai bên có đôi lúc căng thẳng. Một điểm nhấn từng xảy ra trong chuyến đi của Biden đến Israel vào năm 2010 khi ông còn là Phó tổng thống cần nhắc lại. Khi Biden đang viếng thăm quốc gia này, chính phủ của Netanyahu đã tuyên bố sẽ tăng cường xây dựng các khu định cư, điều mà Biden coi là một sự xúc phạm cá nhân. Song ông Netanyahu tuyên bố rằng ông không hay biết gì việc thông báo đó sẽ được đưa ra.

Hoàng Phương