Thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền Biden và Kim Jong-un, Hàn Quốc đối mặt thách thức

Góc nhìn - Ngày đăng : 18:41, 27/01/2021

Ông Biden tỏ ra chú trọng về nhân quyền hơn Trump, có nguy cơ xích mích với Hàn Quốc.
han-quoc-doi-mat-rao-can-khi-thuc-day-doi-thoai-giua-chinh-quyen-biden-va-kim-jong-un.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) coi quan hệ với Bình Nhưỡng là mục tiêu chính sách quan trọng, nhưng khó có khả năng Tổng thống Joe Biden sẽ sớm gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Quan chức hàng đầu Hàn Quốc xử lý các vấn đề Triều Tiên coi vài tháng tới là thời điểm quan trọng để thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Khi chính quyền Biden ổn định Nhà Trắng, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young thông báo quan điểm này vào ngày 25.12 để cho thấy rằng Seoul đang mong muốn tận dụng liên minh với Mỹ để nối lại các cuộc đàm phán cùng Triều Tiên. Song vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Biden hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có quan tâm đến việc tổ chức các cuộc đàm phán hay không.

Ông Antony Blinken, người mới được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ, cho biết chính quyền Biden sẽ tiến hành xem xét kỹ lưỡng chính sách của Triều Tiên, khiến Washington khó có khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh như chính quyền Donald Trump đã làm.

Vài giờ sau khi được Thượng viện Mỹ xác nhận là Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken đã tổ chức cuộc gọi với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Kang Kyung-wha. Họ nhất trí rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là cấp bách và đồng ý "thảo luận chặt chẽ để đạt được một giải pháp".

Sau một loạt ngoại giao trong năm 2018 và 2019, các cuộc đàm phán bị đóng băng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội tan vỡ mà không đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Moon Jae-in đã coi quan hệ với Bình Nhưỡng là một mục tiêu chính sách quan trọng và Hàn Quốc dường như quyết tâm đạt được tiến bộ lâu dài về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước thời điểm ông rời nhiệm sở vào tháng 5.2022.

Nền kinh tế Triều Tiên đang suy kiệt do các lệnh trừng phạt quốc tế toàn diện và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã cắt đứt thương mại qua biên giới với Trung Quốc. Dù muốn giành được sự giảm nhẹ trừng phạt từ Mỹ, ông Kim Jong-un có thể từ chối thảo luận.

Kim Jae-chun, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Sogang ở Seoul (Hàn Quốc), nói với trang Nikkei: "Triều Tiên đang bỏ qua thời gian của mình. Trước một hội nghị thượng đỉnh, họ sẽ muốn có một số đảm bảo về việc giảm bớt các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Mỹ không có khả năng hứa hẹn bất cứ điều gì vì Triều Tiên không phải là vấn đề hàng đầu với Biden và chính quyền ông ấy có kế hoạch ban hành một loại ngoại giao có nguyên tắc hơn".

han-quoc-doi-mat-rao-can-khi-thuc-day-doi-thoai-giua-chinh-quyen-biden-va-kim-jong-un1.jpg
Nhiều người suy đoán Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha từ chức liên quan đến việc bà bày tỏ sự hoài nghi trước tuyên bố của Triều Tiên rằng không có ca nhiễm coronavirus nào

Một khi bắt đầu công khai giải quyết vấn đề Triều Tiên, ông Biden cũng có khả năng nhấn mạnh hơn chính quyền Trump về vấn đề vi phạm nhân quyền ở nước này, chủ đề có thể tạo ra xích mích không chỉ với ông Kim Jong-un mà còn với những người đồng cấp ở Hàn Quốc.

Chính quyền Moon Jae-in đã kiềm chế không chỉ trích Triều Tiên và thực hiện các động thái mà các đối thủ mô tả là nhằm xoa dịu sự lên án trong nước với Triều Tiên nhằm xoa dịu chế độ của ông Kim Jong-un.

Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc thông báo rằng Ngoại trưởng Kang Kyung-wha sẽ từ chức sau 3 năm rưỡi tại vị. Tuần này có nhiều lời đồn đoán rằng việc thay thế Kang Kyung-wha, vào khoảng thời gian thay đổi Tổng thống Mỹ, có liên quan đến những bình luận mà bà đưa ra vào tháng 12.2020 bày tỏ sự hoài nghi trước tuyên bố của Triều Tiên là không có ca nhiễm coronavirus.

Em gái có ảnh hưởng của ông Kim Jong-un là Kim Yo Jong đã coi những nhận xét của Kang Kyung-wha là "liều lĩnh" và tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ "không bao giờ quên" những gì bà nói.

Trong bài xã luận ngày 21.1, tờ Chosun Ilbo bảo thủ chỉ ra rằng Tổng thống Moon Jae-in đã thay thế hai bộ trưởng khác sau khi họ công khai chỉ trích Triều Tiên. "Ông ấy chỉ làm những gì Kim Jong-un và em gái ông ấy yêu cầu", bài xã luận viết về ông Moon Jae-in.

Động thái khác thu hút sự chú ý lớn là dự luật được thông qua tại cơ quan lập pháp Hàn Quốc vào tháng trước cấm các nhà hoạt động phóng bóng bay chứa đầy tờ rơi chỉ trích Triều Tiên qua biên giới.

Chính phủ lập luận rằng luật này là cần thiết để bảo vệ những người Hàn Quốc sống gần biên giới khỏi khả năng bị Triều Tiên phản công.

Các nhà lập pháp Mỹ nằm trong số những người chỉ trích dự luật, gọi đây là sự vi phạm bất chính với quyền tự do ngôn luận, có thể tạo ra rào cản trong nỗ lực khuyến khích đối thoại của chính quyền Moon Jae-in.

Evans Revere, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, nói về luật chống tờ rơi: “Nhà Xanh (của chính quyền Moon Jae-in) dường như không đánh giá hết mức độ thất vọng mà họ tạo ra bởi nỗ lực ngăn chặn thông tin và biểu hiện ủng hộ với người dân Triều Tiên”.

"Chính quyền Biden sẽ coi nhân quyền trở thành ưu tiên chính sách lớn - một động thái sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ. Tôi hy vọng sẽ có nhiều điều về vấn đề này khi chính quyền mới tập trung vào hoàn cảnh của người dân Triều Tiên", Evans Revere nói với trang Nikkei.

Bất chấp những thách thức ở Washington và Bình Nhưỡng, việc ông Moon Jae-in thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ ở quê nhà. Theo một cuộc khảo sát về người Hàn Quốc do Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc công bố vào tháng 12.2020, gần 72% người được hỏi có ấn tượng tích cực về hội nghị thượng đỉnh giữa Trump - Kim và 73% ủng hộ việc Hàn Quốc - Triều Tiên tổ chức các cuộc gặp tiếp theo.

"Xã hội Hàn Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc giữa những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ, nhưng về câu hỏi của Triều Tiên, cả hai bên đều đưa ra câu trả lời tương tự", Lee Sang-sin, nhà nghiên cứu và là tác giả của báo cáo trên, cho hay.

Lee Sang-sin nói kết quả các cuộc khảo sát của ông cho thấy những người theo chủ nghĩa tự do và bảo thủ khác nhau trong cách tiếp cận với Triều Tiên, với những người cánh tả chủ yếu ủng hộ đối thoại vô điều kiện với Bình Nhưỡng, còn những người bảo thủ thường thích Triều Tiên thực hiện các bước tiến tới phi hạt nhân hóa trước.

Lee Sang-sin nhận định: "Có một sự đồng thuận rằng chúng ta không thể mạo hiểm một cuộc chiến tranh khác với Triều Tiên và cách duy nhất chúng ta có thể tránh điều đó là thông qua đàm phán".

Nhân Hoàng