Chặn hành vi găm hàng, 'thổi' giá khẩu trang, nước rửa tay
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:19, 29/01/2021
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin các trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19 mới xuất hiện trong cộng đồng, các Cục Quản lý thị trường Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã nhanh chóng phát đi công văn hỏa tốc về việc tăng cường giám sát địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm đẩy giá lên cao và thu lời bất chính.
Tại Quảng Ninh, ngay sau khi có thông tin về các ca nhiễm mới phát hiện trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường cho biết đã tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, ép giá bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế như khẩu trang, các loại nước rửa tay, nước sát trùng… khi có sự biến động lớn về cung cầu hàng hóa gây xáo trộn tình hình thị trường trên địa bàn, đặc biệt là những khu vực có bệnh nhân COVID-19.
Theo ghi nhận tại Quảng Ninh, tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn hiện cơ bản ổn đinh, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Giá khẩu trang trung bình từ 40.0000 – 70.000 đồng/hộp, dung dịch sát khuẩn từ 45.000 – 120.000 đồng/lọ. Tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại dồi dào.
Còn tại Hải Dương, ngay, Cục Quản lý thị trường tỉnh từ chiều 28.1 đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa.
Trọng tâm là các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Chú trọng để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết....
Tại Hà Nội, nắm bắt được thông tin về ca dương tính với COVID-19 làm việc tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã từng có lịch trình di chuyển về quê tại Sóc Sơn, Hà Nội trước đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ngay lập tức chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế cũng như các cửa hàng thiết yếu để tránh tình trạng gom hàng, đẩy giá như tình trạng đã từng xẩy ra trước đó.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết từ đầu năm đến nay đã kiểm tra và giám sát 9.465 vụ việc và xử phạt hành chính hơn 6 tỉ đồng.