Cần hành động khi ong và bướm đang dần biến mất
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:32, 29/07/2017
Côn trùng thụ phấn là những sinh vật giúp cây có thể sinh sản bằng cách thụ phấn cho hoa. Vì vậy những côn trùng như ong và bướm cung cấp một "dịch vụ" cực kỳ quan trọng đối với thiên nhiên và cả ngành nông nghiệp của con người.
Người ta ước tính rằng 84% cây trồng ở EU và 80% cây thiên nhiên ở khu vực này tồn tại dựa vào sự thụ phấn của ong và bướm. Nếu những sinh vật này bị tuyệt chủng thì đồng nghĩa với việc số phận của những loài thực vật trên cũng được định đoạt theo.
Tuy nhiên, theo các cuộc điều tra mới nhất, số lượng hai loài côn trùng cực kỳ quan trọng này đã giảm tới 51% kể từ những năm 1980.
Mối đe dọa chính của ong và bướm là canh tác thâm canh, mất môi trường sống, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trong nông nghiệp và thời tiết khắc nghiệt hơn.
Chính vì sự quan trọng của côn trùng thụ phấn, Scotland đã quyết định ra chính sách 10 năm nhằm khôi phục và tái tạo môi trường sống cho ong và bướm. Để bảo vệ côn trùng thụ phấn, chính quyền Scotland cũng sẽ giám sát chặt các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể làm nguy hại đến các loài côn trùng này.
Cuối cùng thì Scotland cũng chi tiền để thực hiện các nghiên cứu khoa học về sự tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống của các côn trùng thụ phấn.
Bộ trưởng Môi trường Scotland Roseanna Cunningham khi ra mắt chiến lược bảo vệ côn trùng thụ phấn đã nói: "Đa dạng sinh học tại Scotland là một trong những tài sản quan trọng của chúng ta. Sự đóng góp của ong và những loài thụ phấn khác cho môi trường tuyệt vời này là không thể được đánh giá thấp. Đó là lý do tại sao chúng tôi cam kết giúp Scotland trở thành nơi có nhiều động vật thụ phấn hơn".
"Áp lực từ việc sử dụng đất, thuốc trừ sâu, ô nhiễm, bệnh tật và biến đổi khí hậu đang đe dọa những loài côn trùng này, vì vậy chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ các loài thụ phấn, bảo vệ môi trường, thực phẩm và sức khỏe của chúng ta", bà Cunningham nói thêm.
Bruce Wilson, cán bộ chính sách cao cấp cho Tổ chức Động vật Hoang dã Scotland cho biết: "Sinh vật thụ phấn là một phần quan trọng giúp tạo ra phong cảnh của Scotland. Nhiều loài hoa dại và cây sẽ không thể tồn tại nếu không có chúng. Những con ong và bướm cũng giúp nền nông nghiệp của Scotland, vốn đóng góp khoảng 43 triệu bảng Anh cho nền kinh tế mỗi năm".
Ông Wilson khen ngợi hành động giám sát chặt các loại thuốc trừ sâu của chính quyền và kêu gọi Scotland ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid. Thuốc trừ sâu neonicotinoid đã được biết đến là gây hại nghiêm trọng cho loài thụ phấn, và bây giờ là một báo cáo quan trọng nói rằng chúng đang giết chết côn trùng, vi sinh vật, thằn lằn, giun đất, các loài chim và thậm chí cả những động vật có vỏ ven biển.
Thế nhưng loại thuốc trừ sâu cực độc này lại chiếm tới gần 1/3 số thuốc trừ sâu được sử dụng trong ngành nông nghiệp trên toàn thế giới.
Ái Vi