Mỹ thiếu hụt chip sản xuất ô tô, chính quyền Biden đàm phán nhờ Đài Loan hỗ trợ

Xe - Ngày đăng : 09:24, 30/01/2021

Người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan - Vương Mỹ Hoa sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với Mỹ vào tuần tới để thảo luận về chuỗi cung ứng với sự hiện diện của các công ty bán dẫn.

Cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết thông tin này hôm 29.1 trong bối cảnh toàn cầu thiếu chip được sử dụng bởi các nhà sản xuất ô tô.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Phó Trợ lý Bộ trưởng Chính sách Thương mại và Đàm phán - Matt Murray sẽ tham gia cuộc họp. Đây sẽ là cuộc hội đàm quan trọng nhất giữa Đài Loan và chính quyền Biden kể từ ngày ông nhậm chức hôm 20.1.

Các nhà máy sản xuất ô tô trên khắp thế giới đang phải đóng cửa dây chuyền lắp ráp vì tình trạng thiếu chip. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do các hành động của chính quyền Mỹ trước đây với các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc.

Đài Loan, quê hương của các công ty công nghệ như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), đã trở thành trung tâm trong các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chip.

Bộ trưởng Kinh tế Đức - Peter Altmaier viết thư cho bà Vương Mỹ Hoa để giải quyết vấn đề. Trong tuần này, bà Vương Mỹ Hoa đã gặp các lãnh đạo công ty chip, gồm cả TSMC, để thúc đẩy họ tăng cường sản xuất.

my-thieu-chip-san-xuat-o-to-chinh-quyen-biden-co-cuoc-dam-phan-lon-voi-dai-loan1.jpg
Người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan - Vương Mỹ Hoa

Theo cơ quan kinh tế Đài Loan, bà Vương Mỹ Hoa dự kiến ​​sẽ tổ chức cuộc họp với Mỹ vào 5.2 tới “để làm việc với các công ty trong ngành nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn về chuỗi công nghiệp ở Đài Loan - Mỹ”.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết diễn biến năm qua chỉ ra rằng “các chuỗi cung ứng đa dạng và mạnh mẽ là yếu tố sống còn với an ninh, sự thịnh vượng của Mỹ”. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế với Đài Loan. Những mối quan hệ như vậy đã được đẩy mạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, khiến Trung Quốc tức giận.

Đài Loan là nền dân chủ hàng đầu và là một đối tác kinh tế, an ninh quan trọng. Các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Đài Loan thúc đẩy lợi ích của Mỹ, giúp tạo ra cơ hội kinh tế ở Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Chính quyền của Biden đưa ra tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo, gọi cam kết của Mỹ với Đài Bắc là “tảng đá vững chắc”.

Hôm 29.1, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan cho biết Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng để áp đặt biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì các mối đe dọa với Đài Loan và các vấn đề khác.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan nói cuộc họp vào tuần tới sẽ bao gồm đại diện của các ngành công nghiệp cả hai bên, "không giới hạn ở chất bán dẫn".

TSMC từ chối bình luận về chuyện trên.

Bà Vương Mỹ Hoa cho hay, trong tuần này, Mỹ đã liên lạc với Đài Loan để thảo luận về vấn đề nguồn cung chip ô tô.

Sự thiếu hụt đã ảnh hưởng đến Volkswagen AG, Ford Motor, Subaru, Toyota Motor, Nissan Motor, Fiat Chrysler và các nhà sản xuất ô tô khác.

Không riêng Mỹ mà Nhật Bản và châu Âu tìm kiếm sự trợ giúp từ Đài Loan khi các nhà sản xuất ô tô tranh giành chất bán dẫn.

Cơ quan kinh tế Đài Loan đang yêu cầu các nhà sản xuất chip địa phương như TSMC giúp các nền kinh tế "cùng chí hướng" giảm bớt tình trạng thiếu chip liên quan đến ô tô trên toàn cầu.

Cơ quan này cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu kể từ cuối năm ngoái từ một số quốc gia thông qua các kênh ngoại giao. Các quốc gia yêu cầu Đài Loan giúp xem xét việc thiếu chip cho ngành công nghiệp ô tô đã dẫn đến việc cắt giảm sản lượng của các hãng ô tô hàng đầu như Nissan, Honda, Ford, Daimler và Volkswagen.

"Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu - tất cả các quốc gia có cùng chí hướng với Đài Loan. Vấn đề đang được xử lý ở cấp cao hơn trong chính quyền", một nguồn tin có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này nói với trang Nikkei.

Cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết đã yêu cầu các nhà sản xuất chip địa phương, gồm cả TSMC và United Microelectronics Co (công ty lớn thứ tư về lĩnh vực này) hỗ trợ. Các công ty này cung cấp cho các nhà phát triển chip ô tô toàn cầu như NXP, Infineon, Renesas Electronics và STMicroelectronics.

Người đứng đầu Cơ quan kinh tế Đài Loan - bà Vương Mỹ Hoa hôm 24.1 đã nói chuyện với các lãnh đạo của TSMC về tình trạng thiếu chip ô tô trên toàn cầu. TSMC nói rằng sẽ "tối ưu hóa" quy trình sản xuất chip để làm cho nó hiệu quả hơn và ưu tiên sản xuất chip tự động nếu có thể tăng thêm công suất.

Đài Loan có ngành công nghiệp bán dẫn lớn thứ hai thế giới theo doanh thu, sau Mỹ. Hòn đảo này cũng là nơi có các công ty quan trọng khác trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu như MediaTek (nhà phát triển chip di động lớn nhất thế giới) và ASE Technology Holding (nhà đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất).

Dẫn đầu trong ngành, TSMC cũng là nhà sản xuất bộ vi xử lý iPhone duy nhất, đồng thời cung cấp cho Qualcomm, Nvidia và hầu hết các nhà phát triển chip nổi tiếng khác trên toàn thế giới.

Căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc trong hai năm qua đã giúp Đài Loan có tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên toàn cầu vì chất bán dẫn là trái tim và bộ não của các công nghệ từ smartphone, phương tiện lái xe tự động đến công nghệ vũ trụ. TSMC bị kẹt giữa hai cường quốc vì từng coi Huawei là khách hàng chính, đồng thời cung cấp cho Xilinx, công ty công nghệ Mỹ có chip được sử dụng cho máy bay chiến đấu F-35.

"Các nhà sản xuất ô tô quốc tế không phải là khách hàng trực tiếp của các nhà sản xuất chip Đài Loan, nhưng các nhà sản xuất chip của chúng tôi cung cấp các nhà phát triển chip ô tô, sau đó các nhà phát triển chip ô tô này bán chip cho các nhà sản xuất ô tô", cơ quan kinh tế Đài Loan báo cáo.

Nhân Hoàng