Nguy cơ vỡ nợ, Lào lo Thái Lan ngừng mua điện vì đập do Trung Quốc xây trên sông Mekong

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:12, 30/01/2021

Thái Lan đe dọa hủy bỏ kế hoạch xây dựng đập thủy điện do Trung Quốc phát triển, được lên kế hoạch cho sông Mekong ở nước láng giềng Lào, trong lời cảnh báo hiếm hoi cho thấy làn sóng bất đồng gia tăng ở khu vực mà ba nước đều có chung đường thủy lớn nhất Đông Nam Á.

Thái Lan đã đưa ra lời phản đối với đập điện Sanakham trị giá hơn 2 tỉ USD kể từ cuối năm ngoái, khi các quan chức chính phủ phá vỡ nghi thức ngoại giao và đưa ra những tuyên bố chống lại dự án trên các phương tiện truyền thông.

Đập thủy điện Sanakham mà China Datang Corporation (1 trong 5 doanh nghiệp sản xuất điện quy mô lớn ở Trung Quốc) đang phát triển, sẽ tạo ra 684 megawatt điện khi đi vào hoạt động vào năm 2028 và được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược trở thành "cục pin Đông Nam Á" của Chính phủ Lào.

Thái Lan lại gây lo ngại cho Lào trong tháng này khi cho biết đã bác bỏ một báo cáo kỹ thuật mới tại cuộc họp do Ủy ban sông Mekong, cơ quan liên chính phủ có trụ sở tại Viêng Chăn (thủ đô của Lào), chủ trì. Ủy ban được thành lập để quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong, được chia sẻ bởi các thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

"Chúng tôi đang nêu lên mối quan ngại của mình thông qua ủy ban, nơi đã gửi cho chúng tôi dữ liệu không đầy đủ và lỗi thời", Somkiat Prajamwong, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan, nói với trang Nikkei, đề cập đến báo cáo từ Chính phủ Lào và China Datang Corporation.

Thái Lan bày tỏ nhiều mối quan ngại bắt nguồn từ tác động môi trường tiềm tàng của dự án ở phía biên giới của họ. Đập thủy điện
Sanakham dự kiến ​​sẽ được xây dựng cách huyện Chiang Kan ở Loei (tỉnh miền núi xa xôi phía đông bắc Thái Lan) 2 km.

Ông Somkiat Prajamwong cho biết: “Đây sẽ là con đập đầu tiên được xây dựng gần Thái Lan. Chúng tôi lo lắng về tác động vì nó sẽ không thể đoán trước được".

Thái Lan lo ngại rằng đập thủy điện sẽ thay đổi dòng chảy của sông Mekong vẫn chưa được loại trừ vì có nguy cơ ảnh hưởng đến đoạn biên giới phía đông của nó.

"Nếu con đập này được xây dựng, sẽ khó quản lý ranh giới của kênh sâu ở sông Mekong”, Somkiat Prajamwong nói thêm.

nguy-co-vo-no-lao-lo-thai-lan-ngung-mua-dien-vi-dap-do-trung-quoc-tren-song-mekong.jpg
Sông Mekong giáp với Thái Lan và Lào nhìn từ phía Nong Khai (Thái Lab). Thái Lan đang phản đối việc xây dựng con đập Sanakham do Trung Quốc lên kế hoạch cho tuyến đường thủy ở Lào

Hồi tháng 11.2020, Thái Lan cảnh báo sẽ không mua điện từ đập Sanakham nếu xác định nó gây hại cho môi trường và đời sống ở sông Mekong.

Cụ thể hơn, ông Somkiat Prajamwong khẳng định nước này sẽ không mua điện từ đập Sanakham trừ khi có bằng chứng nó không ảnh hưởng đến dòng sông, vốn cũng là biên giới tự nhiên giữa hai nước.

Theo ông Somkiat, Chính phủ Thái Lan rất lo ngại về hệ thống sinh thái nước cũng như đời sống người dân sống dọc sông Mekong nên  cân nhắc việc mua điện từ dự án.

Ngoài ra, Bộ Năng lượng Thái Lan cũng cho rằng nước này có đủ nguồn năng lượng dự trữ và không cần phải mua thêm từ Lào.

Phía Thái Lan đe dọa không ký một thỏa thuận mua điện (PPA), thường là thông lệ trước khi một con đập được xây dựng, cho phép nhà phát triển đảm bảo các khoản vay và đảm bảo lợi tức đầu tư. Động thái đó cho thấy sự rời bỏ mối quan hệ song phương lâu đời của Thái Lan và Lào với tư cách là nước mua điện lớn nhất với xuất khẩu điện của Lào. PPA là thỏa thuận do Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), đơn vị thuộc sở hữu nhà nước ký kết.

Việc Bangkok miễn cưỡng thông qua dự án khiến các nhà môi trường ở Thái Lan phải chú ý. Premrudee Daoroung, điều phối viên của Cơ quan Giám sát Đầu tư đập Lào, cho biết: “Có rất nhiều điều đầu tiên đang xảy ra: Lần đầu tiên Thái Lan phản đối về một con đập của Lào trước công chúng và lần đầu tiên có thông báo về việc không ký PPA. Quan điểm của Somkiat với PPA đang đi ngược lại chính sách hiện tại của Thái Lan của EGAT và Bộ năng lượng rằng Thái Lan sẽ mua điện từ Lào - điều đó chưa bao giờ xảy ra cho đến nay".

Việc phản đối đập Sanakham diễn ra khi chính sách năng lượng của Thái Lan đang được xem xét kỹ lưỡng, với những câu hỏi được đặt ra về nhu cầu tiếp tục nhập khẩu điện từ Lào trong tương lai. Các nhóm xanh Thái Lan đang thúc đẩy cuộc tranh luận này bởi tỷ lệ tiêu thụ điện và dự trữ của Thái Lan. Theo EGAT, mức đỉnh tháng 12.2020 thấp hơn một chút so với mức đỉnh dự kiến ​​là 27.500 MW cho cả nước, trong khi công suất điện lắp đặt vào thời điểm đó là 45.480 MW, cho thấy dự trữ điện dư thừa gần 50%, do suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Pianporn Detees, Giám đốc chiến dịch Thái Lan của International Rivers, nhóm áp lực môi trường toàn cầu, cho biết: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Thái Lan không cần phải mua điện với mức giá hiện tại từ Lào để sử dụng trong nước. Việc xây dựng các con đập ngày nay không chỉ để cung cấp điện mà còn là mục đích chính trị. EGAT nên điều chỉnh các chính sách của mình".

Lào với Trung Quốc đã hợp tác trong nhiều năm về việc xây dựng đập trên sông Mekong và các phụ lưu của nó. Mekong là sông dài thứ 12 trên thế giới (khoảng 4.600 km) bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) và chảy qua Vân Nam, tỉnh phía nam Trung Quốc, trước khi chảy qua lưu vực sông được chia sẻ bởi Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi chảy qua Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam ra biển.

Theo Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, nước này đã xây dựng 79 đập trên dòng chính của sông Mê Công và đang trên đường xây 100 đập ở các phụ lưu vào năm 2030.

Lào dùng nhiều đất liền để xây dựng các con đập như cứu cánh tài chính. Các con đập được xây dựng thông qua các khoản vay. Các nhà lãnh đạo của Lào đã đặt hy vọng vào việc xuất khẩu điện không giới hạn hầu hết sang Thái Lan trên con đường trở thành "cục pin của Đông Nam Á" với mục tiêu xuất khẩu 20 gigawatt điện vào năm 2030.

Thế nhưng, các nhà phân tích nói rằng sự chuyển hướng ở Thái Lan với đập Sanakham như lời cảnh báo với sự phụ thuộc của người Lào vào các con đập để thúc đẩy nền kinh tế nước này. Cảnh báo đó được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Lào đang phải đối mặt với những tin tức dữ dội về nợ nước ngoài gia tăng, phần lớn bắt nguồn từ việc xây dựng các con đập đã không thu được lợi nhuận tài chính dự kiến.

Toshiro Nishizawa, học giả người Nhật Bản và là cựu cố vấn chính sách cho Chính phủ Lào, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng có một người mua điện thay thế cho Thái Lan trong trung hạn vì thiếu đường truyền để cung cấp điện cho các thị trường đó. Chính phủ Lào nhận thức được rằng một số dự án thủy điện không hiệu quả và chịu trách nhiệm một phần cho gánh nặng nợ tăng cao".

Ngoài Sanakham, Lào có 5 dự án thủy điện gồm Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang trên dòng chính sông Mekong. Trong đó, Xayaburi và Don Sahong đã đi vào hoạt động lần lượt từ tháng 10.2019 và tháng 1.2020.

Đầu tháng 9.2020, các hãng đánh giá tín dụng và cố vấn kinh tế cho Chính phủ Lào cảnh báo nợ công của nước này đã vượt ngưỡng nguy hiểm và có nguy cơ vỡ nợ.

Trong tháng 8.2020, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Lào - Somdy Douangdy báo cáo trước Quốc hội rằng nợ công của nước này có thể tăng lên 65 - 68% GDP trong 2020 do nguồn thu quốc gia giảm (khoảng 696 triệu USD), cộng với nợ vay tăng do đại dịch COVID-19.

Ông Toshiro Nishizawa, Giáo sư Đại học Tokyo, thành viên tổ tư vấn kinh tế cho Chính phủ Lào, cảnh báo về nguy cơ "tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia" ở Lào trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới.

"Nguy cơ vỡ nợ là mối đe dọa tiềm tàng với hoạt động tài chính ở Lào, dẫn đến hậu quả là bao nỗi nhọc nhằn cho người dân. Hiện nợ nước ngoài đã đủ lớn để gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19", ông Nishizawa giải thích.

Trước COVID-19, các hãng đánh giá tín nhiệm và giới ngoại giao phương Tây đã gióng lên cảnh báo về mức nợ công của Lào, vốn bị đội lên nhanh do các dự án thủy điện khổng lồ trên sông Mekong và một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn.

Hai nguồn tin tiết lộ với Financial Times rằng các quan chức Bộ Tài chính Lào đang tiến hành thương thảo với phía Trung Quốc về khả năng giãn nợ.

Vào tháng 9.2020, công ty Fitch Ratings (Mỹ) ước tính Chính phủ Lào nợ nước ngoài khoảng 12,6 tỉ USD - tương đương 65% GDP, còn công ty điện lực nhà nước Ėlectricité du Laos (EDL) nợ thêm 8 tỉ USD nữa.

Nhân Hoàng