Sự đổi vai độc đáo trong giao phối của loài bướm

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:05, 15/07/2017

Các nhà khoa học ở Đại học quốc gia Singapore đã công bố trên Tạp chí Journal of Insect Science một công trình nghiên cứu lý thú về hành vi sinh sản của loài bướm Bicyclus anynana.
Loài bướm Bicyclus anynana

Đây là loài bướm ngày màu nâu thuộc phân họ Satyrinae và Satyridae, sống phổ biến ở các quốc gia châu Phi cận Sahara. Sải cánh của con đực dài 35-40mm và của con cái là 45-49mm. Môi trường sống của loài bướm này là những vùng khí hậu một năm có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa (mùa mát mẻ và nóng ẩm).

Nếu sâu bướm trưởng thành trong mùa mưa, khi trở thành bướm thì con đực tích cực săn đón và cố gắng thu hút sự chú ý của con cái để được giao phối. Nếu sâu bướm lớn lên trong mùa khô, vai trò trong “nghi lễ hôn phối” có sự thay đổi: con cái chủ động tìm cách thu hút con đực đến giao phối.

Trong cả hai trường hợp, bên chủ động trong việc thể hiện hành vi giao phối đều có mánh “tỏ tình” độc đáo bằng cách khoe các hoa văn trên đôi cánh. Đối với con đực hoặc con cái chủ động, điều quan trọng nhất là kích thước các hoa văn đó mà mắt thường của con người không nhận thấy được ở dải cực tím.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học Singapore đã xác minh được rằng trong trường hợp con cái mời mọc thì con đực có thiên hướng giao phối với những con cái có hoa văn rực rỡ hơn. Thời gian giao phối cũng kéo dài hơn so với khi giao phối với những con cái khác.

Khi các nhà nghiên cứu dùng một loại sơn đặc biệt phủ lên đôi cánh bướm phản xạ ánh sáng trong dải cực tím thì con bướm cái lập tức mất đi rất nhiều vẻ hấp dẫn đối với con đực. Ngoài ra, các nhà sinh học Singapore còn nhận thấy bướm đực khi giao phối với con cái đều có “tặng quà”, đó là các tuyến của con đực đều tiết ra chất ăn được. Theo nhà sinh học Antonia Monteiro, tác giả chính của công trình nghiên cứu, món quà đó chính là chất dinh dưỡng mà con đực đầu tư cho con cái trong việc chăm nuôi thế hệ sau.

Vũ Trung Hương