6 chiến đấu cơ Trung Quốc và 1 máy bay trinh sát Mỹ bất ngờ áp sát, Đài Loan làm điều chưa từng có
Quốc tế - Ngày đăng : 21:20, 31/01/2021
Căng thẳng tăng vọt cuối tuần trước sau khi Đài Loan báo cáo nhiều máy bay chiến đấu và máy bay ném bom Trung Quốc bay vào góc tây nam của vùng nhận dạng phòng không hòn đảo, gần với quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát ở phía bắc Biển Đông.
Các sứ mệnh của Trung Quốc diễn ra cùng ngày 23.1 mà nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông, theo điều mà quân đội Mỹ gọi là cuộc triển khai thường lệ.
Ngày 24.1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đi cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill với hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn tiến vào Biển Đông hôm 23.1 nhằm "thúc đẩy quyền tự do trên biển".
Chính quyền Biden đã chỉ trích các chuyến bay đe dọa Đài Loan của Trung Quốc. “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế với Đài Loan và thay vào đó tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được bầu cử dân chủ của Đài Loan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Biden - Ned Price tuyên bố.
Hôm 31.1, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết có tổng cộng 7 máy bay Trung Quốc bay vào cùng vùng biển gần quần đảo Đông Sa, gồm 2 máy bay chiến đấu J-10, 4 máy bay chiến đấu J-11 và một máy bay trinh sát Y-8.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan nói thêm rằng 1 máy bay trinh sát của Mỹ cũng có mặt ở phía tây nam khu vực phòng thủ, nhưng không nêu tên loại máy bay cũng như cung cấp chi tiết về đường bay của nó, điều mà họ thực hiện với tất cả chuyến bay từ Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Đài Loan đề cập đến sự hiện diện của máy bay Mỹ kể từ khi bắt đầu báo cáo hàng ngày về hoạt động phía Trung Quốc trong khu vực phòng thủ của mình vào giữa tháng 9.2020.
Đài Loan hiếm khi nói công khai về hoạt động của Mỹ gần hòn đảo, kể cả khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, dù các nguồn tin ngoại giao và an ninh cho biết thường xuyên có các phái bộ không quân và hải quân Mỹ tới gần họ.
Giống như hầu hết các quốc gia, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất với hòn đảo này.
Trung Quốc đã tăng cường đe dọa Đài Loan vào tuần trước, cảnh báo sau khi tăng cường các hoạt động quân sự rằng "độc lập có nghĩa là chiến tranh" và các lực lượng vũ trang của họ đang hành động để đáp trả sự khiêu khích, can thiệp từ nước ngoài.
Trung Quốc tin rằng chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Loan đang muốn tuyên bố độc lập, một ranh giới đỏ với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập được gọi là Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan.
Hôm 26.1, các máy bay phản lực của không quân Đài Loan với vũ khí đã bay lên bầu trời trong cuộc tập trận mô phỏng kịch bản chiến tranh, cho thấy sự sẵn sàng chiến đấu sau khi hàng chục máy bay chiến đấu Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không hòn đảo hôm 23 và 24.1.
Căn cứ ở phía nam thành phố Đài Nam, Đài Loan là nơi tập hợp các máy bay chiến đấu F-CK-1 Ching-kuo (IDF), thường được sử dụng để đánh chặn máy bay Trung Quốc.
Trong một hầm trú ẩn kiên cố, phi hành đoàn Cánh Máy bay Chiến thuật Chiến thuật Số 1 chuẩn bị sẵn sàng với hai chiếc IDF khi chuông báo động vang lên, nhằm mục đích đưa chúng lên khỏi mặt đất trong vòng 5 phút sau cuộc gọi khẩn cấp.
IDF được trang bị những tên lửa tầm nhiệt Sidewinder (do Mỹ sản xuất) và những tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien (được phát triển ở Đài Loan bởi Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung-Shan).
Đại tá Lee Ching-shi nói với Reuters rằng máy bay phản lực của họ thường được trang bị súng, tên lửa tầm nhiệt Sidewinder và tên lửa không đối không Sky Sword (do Đài Loan sản xuất) khi đánh chặn máy bay phản lực Trung Quốc và có thể đáp trả bất cứ lúc nào.
“Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi sẽ không từ bỏ một inch lãnh thổ của mình", Đại tá Lee Ching-shi nói.
Bốn chiếc IDF thực hiện các cuộc tập trận hạ cánh theo đội hình chiến thuật và cất cánh, gầm rú khi rời khỏi đường băng.