Nhà lãnh đạo và Tổng thống Myanmar bị quân đội bắt giữ trong cuộc đột kích

Quốc tế - Ngày đăng : 06:06, 01/02/2021

Lãnh đạo Myanmar - bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm 1.2, phát ngôn viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền cho biết.

Theo Reuters, động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội hùng mạnh làm dấy lên lo ngại về đảo chính, sau cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận.

Người phát ngôn Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền
- Myo Nyunt nói với Reuters qua điện thoại rằng bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị bắt vào đầu giờ sáng.

Tôi muốn nói với người dân của chúng tôi rằng đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo luật pháp”, Myo Nyunt
nói và cho biết thêm rằng ông cũng dự kiến sẽ bị bắt giữ.

nha-lanh-dao-myanmar-bi-quan-doi-bat3.jpg
Lãnh đạo Myanmar - bà Aung San Suu Kyi
nha-lanh-dao-myanmar-bi-quan-doi-bat1.jpg
Tổng thống Myanmar - Win Myint

Quốc hội mới của Myanmar sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 1.2 kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành đủ số ghế trong Quốc hội (83% số ghế hiện có trong cuộc bầu cử, cụ thể là 346/412) để thành lập chính phủ dân sự vào tháng 11, nhưng quân đội nói rằng cuộc bỏ phiếu là gian lận. 

Quân đội Myanmar nói phát hiện 8,6 triệu trường hợp gian lận. Tuần trước, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã chỉ ra “sự thiếu trung thực và không công bằng” trong cuộc bầu cử, theo phát ngôn viên quân đội - thiếu tướng Zaw Min Tun. Quân đội Myanmar phản đối kết quả, đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao chống lại tổng thống và chủ tịch ủy ban bầu cử.

Ủy ban bầu cử của Myanmar đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy cuộc bỏ phiếu.

Hiến pháp dành 25% số ghế trong Quốc hội cho quân đội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi.

Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing là người quyền lực nhất của Myanmar. Khi bị hỏi về khả năng xảy ra đảo chính, thiếu tướng Zaw Min Tun từ chối bình luận nhưng không loại trừ điều đó xảy ra.

Chúng tôi không nói quân đội Myanmar sẽ nắm quyền. Chúng tôi cũng không nói điều đó sẽ không xảy ra”, Zaw Min Tun nói kiểu úp mở.

Quân đội Myanmar đã kêu gọi chính phủ hoãn việc triệu tập Quốc hội hôm 1.2.

Một nhóm các cường quốc phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đưa ra tuyên bố chung hôm 26.1 cảnh báo chống lại "bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar".

Trong một tuyên bố hôm 31.1, quân đội cáo buộc các nhà ngoại giao nước ngoài đã đưa ra "những giả định không có cơ sở".

Đường dây điện thoại đến Thủ đô Naypyidaw (Myanmar) không liên lạc được trong những giờ đầu sáng 1.2.

Truyền hình MRTV do nhà nước điều hành thông báo trong một bài đăng trên Facebook rằng không thể phát sóng do các vấn đề kỹ thuật.

Một phát ngôn viên quân đội đã không trả lời các cuộc điện thoại để tìm bình luận.

Phóng viên Jonathan Head (BBC) cho biết có binh lính trên các đường phố ở Thủ đô Naypyitaw và thành phố chính Yangon.

Các binh sĩ cũng đã đến nhà của các thủ hiến ở một số vùng và đưa họ đi, các thành viên trong gia đình người bị bắt tiết lộ.

Một nhà lập pháp Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền, yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết một người khác bị bắt giữ là Han Thar Myint, thành viên ban chấp hành trung ương của đảng.

Điều đáng nói là hôm 30.1, quân đội Myanmar cho biết sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp cũng như hành động theo luật sau khi những bình luận hồi đầu tuần làm dấy lên lo ngại về cuộc đảo chính.

Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết vụ việc trên là thách thứcvới chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Gần đây nhất là vào thứ Sáu, Mỹ cùng các quốc gia khác thúc giục quân đội Myanmar không tiếp tục các mối đe dọa đảo chính của họ. Trung Quốc sẽ đứng về phía Myanmar giống như khi quân đội đánh đuổi người Rohingya. Chính quyền Biden nói rằng họ sẽ ủng hộ dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, các sĩ quan quân đội hàng đầu đã bị trừng phạt nên không thể rõ Mỹ có thể làm gì nhanh chóng ngay lập tức nhanh chóng”, ông nói.

John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói quân đội Myanmar chưa bao giờ tuân theo chế độ dân sự và kêu gọi Mỹ cùng các quốc gia khác áp đặt “các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc và trực tiếp” với giới lãnh đạo quân sự lẫn các lợi ích kinh tế của họ.

Là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, bà Suu Kyi (75 tuổi) lên nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử 2015, kéo theo nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong cuộc đấu tranh vì dân chủ đã biến bà thành biểu tượng quốc tế.

Vị thế quốc tế của Suu Kyi bị tổn hại sau khi hàng trăm ngàn người Rohingya chạy trốn khỏi các chiến dịch quân đội để lánh nạn từ bang Rakhine phía tây Myanmar vào năm 2017, nhưng bà vẫn cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà.

Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng giành độc lập của Myanmar, tướng Aung San. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi, ngay trước khi Myanmar giành được độc lập từ sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1948.

Bà Suu Kyi từng được coi là ngọn hải đăng cho nhân quyền - nhà hoạt động có nguyên tắc, người đã từ bỏ quyền tự do của mình để thách thức các tướng lĩnh quân đội tàn nhẫn đã cai trị Myanmar trong nhiều thập kỷ.

Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình trong khi vẫn bị quản thúc tại gia.

Bà Suu Kyi đã trải qua gần 15 năm bị giam giữ từ năm 1989 đến 2010.

Vào tháng 11.2015, bà đã lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar sau 25 năm.

Hiến pháp Myanmar cấm Suu Kyi trở thành tổng thống vì bà có con là công dân nước ngoài. Song, bà Suu Kyi được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế.

Kể từ khi trở thành cố vấn nhà nước của Myanmar, vai trò lãnh đạo của bà Suu Kyi được xác định bằng cách đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi của đất nước.

Vào năm 2017, hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh do một cuộc đàn áp của quân đội gây ra với các cuộc tấn công chết người vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine.

Những người ủng hộ trước đây trên quốc tế cáo buộc bà
Suu Kyi không làm gì để ngăn chặn hãm hiếp, giết người và khả năng diệt chủng bằng cách từ chối lên án quân đội hùng mạnh hoặc thừa nhận các hành vi tàn bạo.

Một số người cho rằng bà Suu Kyi là chính trị gia thực dụng, cố gắng điều hành một quốc gia đa sắc tộc với lịch sử phức tạp. Sự bảo vệ bản thân của Suu Kyi với các hành động từ quân đội tại phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 2019 ở La Hay (Hà Lan) được coi là một bước ngoặt mới làm mất đi những gì còn lại ít ỏi về danh tiếng bà trên quốc tế.

Tuy nhiên ở quê nhà, bà Suu Kyi vẫn rất nổi tiếng trong số đông tín đồ Phật giáo, những người không mấy thiện cảm với người Rohingya.

Nhân Hoàng