Hàng ngàn người tháo chạy khỏi Hồng Kông đến Anh vì sợ Trung Quốc đàn áp: ‘Không cần xem trước nhà, không trở lại’
Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 01/02/2021
Một số ra đi vì lo sợ bị trừng phạt vì ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quét qua thuộc địa cũ của Anh vào năm 2019. Những người khác nói rằng sự xâm phạm từ Trung Quốc với lối sống và quyền tự do dân sự khiến họ không thể chịu đựng được và muốn tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái ở nước ngoài. Hầu hết nói rằng không có kế hoạch quay trở lại.
Các động thái này dự kiến sẽ tăng tốc khi hiện có 5 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện nộp đơn xin thị thực vào Anh, cho phép họ sinh sống, làm việc, học tập tại đó và cuối cùng nộp đơn trở thành công dân Anh. Đơn xin thị thực Quốc gia Anh ở nước ngoài chính thức mở vào 31.1 dù nhiều người đã đến Anh trước đó để bắt đầu cuộc sống mới.
Chính phủ Anh cho biết khoảng 7.000 người có hộ chiếu Quốc gia Anh ở nước ngoài - giấy thông hành mà người Hồng Kông có thể xin trước khi thành phố được giao cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997 - đã đến từ tháng 7.2020 theo thị thực 6 tháng được phép trước đó. Chính phủ Anh ước tính rằng hơn 300.000 người sẽ nhận đề nghị gia hạn quyền cư trú trong 5 năm tới.
“Trước khi công bố thị thực BNO vào tháng 7, chúng tôi không có nhiều câu hỏi về nhập cư Vương quốc Anh, có thể ít hơn 10 một tháng. Bây giờ chúng tôi nhận được khoảng 10 đến 15 cuộc gọi mỗi ngày hỏi về nó”, Andrew Lo, người sáng lập Anlex Immigration Consultants tại Hồng Kông, cho biết.
Mike, phóng viên ảnh, cho biết anh dự định sẽ nộp đơn xin thị thực và chuyển đến Leeds cùng vợ và con gái nhỏ vào tháng 4.2021.
Động lực rời Hồng Kông của Mike xuất hiện sau khi tình hình chính trị ở đây xấu đi sau các cuộc biểu tình chống chính quyền và anh nhận ra rằng lực lượng cảnh sát của thành phố không trung lập về mặt chính trị. Cảnh sát đã bị những người ủng hộ dân chủ chỉ trích vì sự tàn bạo và sử dụng bạo lực quá mức.
Mike cho biết việc chuyển đến Anh là rất quan trọng vì anh tin rằng hệ thống giáo dục ở Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị và sẽ tốt hơn cho con gái anh khi học ở Anh.
Mike đồng ý nói chuyện với ACB News với điều kiện không tiết lộ đầy đủ họ tên của mình vì sợ bị trả thù.
Andrew Lo nói rằng với thị thực mới, rào cản nhập cảnh để đến Anh trở nên cực kỳ thấp, không có yêu cầu về trình độ ngôn ngữ hoặc giáo dục. Theo Chính phủ Anh, những người mang hộ chiếu Quốc tịch Anh ở nước ngoài cần phải chứng minh rằng họ có đủ tiền để nuôi sống bản thân trong 6 tháng và không mắc bệnh lao.
Hiện tại, Andrew Lo hỗ trợ 3-4 gia đình mỗi tuần khi họ chuyển đến Anh. Khoảng 60% trong số đó là các gia đình có con nhỏ, số còn lại là các cặp vợ chồng trẻ hoặc các chuyên gia trẻ.
Cindy, nữ doanh nhân Hồng Kông và là mẹ của hai đứa con nhỏ, đã đến London vào tuần trước.
Ở Hồng Kông, Cindy có cuộc sống thoải mái. Cindy sở hữu một số tài sản với chồng và công việc kinh doanh do cô điều hành đang diễn ra tốt đẹp. Thế nhưng, Cindy quyết định bỏ lại tất cả vì cô cảm thấy rằng các quyền tự do ở thành phố đang bị xói mòn và muốn đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho con mình.
Cindy nói rằng điều quan trọng là phải nhanh chóng di chuyển vì cô sợ Trung Quốc sẽ sớm ngăn chặn cuộc di cư.
Thủ tướng Boris Johnson nói trong tuần này, lời đề nghị cấp thị thực cho thấy Anh đang tôn vinh “mối quan hệ lịch sử sâu sắc” với Hồng Kông, vốn đã được giao cho Trung Quốc với suy nghĩ rằng nước này sẽ duy trì các quyền tự do kiểu phương Tây và phần lớn quyền tự chủ chính trị từng không nhìn thấy ở Trung Quốc đại lục.
Hôm 30.1, Trung Quốc nói sẽ không còn công nhận hộ chiếu ở nước ngoài của Quốc gia Anh là giấy thông hành hoặc hình thức nhận dạng, đồng thời chỉ trích đề nghị cấp quốc tịch của Anh là động thái "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền Trung Quốc. Chưa rõ thông báo sẽ có tác dụng gì vì nhiều người Hồng Kông mang nhiều hộ chiếu.
Trung Quốc giữ vững lập trường cứng rắn với Hồng Kông sau khi các cuộc biểu tình năm 2019 trở thành bạo lực và đẩy thành phố vào cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng. Kể từ khi luật an ninh được ban hành, hàng chục nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị bắt và các thủ lĩnh trẻ của phong trào đã bị bỏ tù hoặc bỏ trốn ra nước ngoài.
Do luật mới định nghĩa rộng rãi các hành vi lật đổ, ly khai, cấu kết với nước ngoài và khủng bố, nhiều người ở Hồng Kông lo sợ rằng việc thể hiện bất kỳ hình thức chống đối chính trị nào, thậm chí đăng thông điệp trên mạng xã hội, có thể khiến họ gặp rắc rối.
“Đây là làn sóng di cư thực sự kỳ lạ vì một số người không có thời gian để thực sự đến thăm quốc gia mà họ định cư. Nhiều người không có kinh nghiệm sống ở nước ngoài. Vì đại dịch, họ thậm chí không thể đến xem nhà trước khi quyết định mua”, Miriam Lo, người điều hành cơ quan tái định cư Excelsior UK, cho biết.
Hôm 29.1, Anh đã ca ngợi hộ chiếu đặc biệt cung cấp cho người Hồng Kông con đường trở thành công dân sau cuộc đàn áp của Trung Quốc.
“Tôi vô cùng tự hào rằng chúng tôi đã mang đến con đường mới này cho các công dân Hồng Kông sinh sống, làm việc và lập nghiệp tại đất nước của chúng tôi”, Thủ tướng Boris Johnson nói và đề cập đến hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO).
“Khi làm như vậy, chúng tôi đã tôn vinh mối quan hệ lịch sử và tình hữu nghị sâu sắc của chúng tôi với người dân Hồng Kông. Chúng tôi đã đứng lên đấu tranh cho tự do và quyền tự chủ - những giá trị mà cả Vương quốc Anh và Hồng Kông đều trân trọng”, Thủ tướng Boris Johnson cho biết thêm.
Thế nhưng, Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông đã đáp trả bằng cách tuyên bố không công nhận BNO là giấy thông hành hợp lệ từ ngày 31.1.
“Anh đang cố gắng biến số lượng lớn người Hồng Kông thành những công dân Anh hạng hai. Điều này đã thay đổi hoàn toàn bản chất ban đầu của BNO”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp giao ban thường kỳ.
Quyết định của Trung Quốc không công nhận giấy thông hành phần lớn mang tính biểu tượng vì người dân Hồng Kông thường không sử dụng BNO của họ để đến đại lục. Người mang BNO ở Hồng Kông vẫn có thể sử dụng hộ chiếu hoặc chứng minh thư Hồng Kông của họ.
Việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông vào tháng 6.2020 khiến Anh cung cấp nơi trú ẩn cho gần 3 triệu cư dân thành phố này đủ điều kiện xin BNO từ ngày 31.1.
Được công bố lần đầu tiên vào năm ngoái, chương trình này mở cửa vào 31.1 tới và cho phép những người có tình trạng "Quốc tịch Anh (ở nước ngoài)" sống, học tập, làm việc ở Anh trong 5 năm và sàu cùng nộp đơn xin nhập quốc tịch.
BNO là một trạng thái đặc biệt được tạo ra theo luật của Anh vào năm 1987 liên quan đến Hồng Kông.
Theo dự báo của Chính phủ Anh, BNO trị giá 250 bảng Anh (340 USD) có thể thu hút hơn 300.000 người và những người phụ thuộc của họ đến Anh, tạo ra lợi ích ròng lên tới 2,9 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế Anh trong 5 năm tới.
Từ khoảng giữa trưa 31.1, những đương đơn đủ điều kiện có thể nộp đơn trực tuyến và đặt lịch hẹn để đăng ký dấu vân tay của họ tại trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực. Từ ngày 23.2, một số người có thể tạo đơn thông qua ứng dụng trên smartphone.
Vẫn không chắc chắn có bao nhiêu người thực sự sẽ nhận lời đề nghị này. Chính phủ Anh ước tính rằng 2,9 triệu người và thêm 2,3 triệu người phụ thuộc sẽ đủ điều kiện đến nước này.