Mỹ bắt đầu các 'chính sách châu Phi' nhằm cạnh tranh với Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 09:56, 01/02/2021
Trong phiên điều trần tuần trước, Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ muốn bà Thomas-Greenfield giảng giải rõ cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Liên hợp quốc lẫn tại châu Phi (lục địa mà chính quyền Bắc Kinh cung cấp nguồn tài chính lớn cho phát triển hạ tầng).
Nữ ứng viên còn bị chất vấn khi phát biểu ở Viện Khổng tử năm 2019, ca ngợi các chính sách của Trung Quốc. Bà thừa nhận đây là một sai lầm lớn.
Trước yêu cầu đánh giá xem chiến lược Trung Quốc triển khai tại châu Phi từ Thượng nghị sĩ Mitt Romney, bà Thomas-Greenfield cho biết: “Dù họ đã rất nỗ lực nhưng chiến lược không hiệu quả với châu Phi và cũng chẳng hoạt động theo cách mà Trung Quốc mong đợi. Mỹ có thể tận dụng điều này và chủ động hợp tác với khu vực hơn nữa”. Nữ ứng viên cam kết nếu trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc sẽ tích cực giúp các quốc gia châu Phi giải quyết vấn đề gặp phải trong quan hệ với Trung Quốc.
Về cạnh tranh ảnh hưởng tại Liên hợp quốc, Thomas-Greenfield nhận định việc Mỹ rút khỏi hàng loạt cơ quan Liên hợp quốc tạo ra khoảng trống cho Trung Quốc và Nga lấp đầy. Bà tuyên bố không để xảy ra chuyện này nữa.
Dựa trên những phát biểu của bà Thomas-Greenfield, nhà nghiên cứu Scott Morris thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu (Washington) đánh giá tân chính quyền Washington rõ ràng có mục tiêu trở thành đối tác tốt hơn với châu Phi, nhắm vào một số thiếu sót trong cách tiếp cận mà đối thủ Bắc Kinh áp dụng.
Giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Chan thuộc Trường nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (Luân Đôn) cũng lưu ý lục địa đen nay chẳng còn là môi trường cạnh tranh ảnh hưởng dễ dàng, nên Mỹ cần cố gắng hơn nữa.
Bà Thomas-Greenfield đã có 35 năm hoạt động trong ngành ngoại giao Mỹ. Nhà ngoại giao kỳ cựu từng công tác tại nhiều quốc gia châu Phi như Liberia, Kenya, Gambia, Nigeria, Jamaica.