Khủng long ankylosaurs dùng màu da để ngụy trang trốn kẻ thù
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:44, 06/08/2017
Các nhà cổ sinh học đã đưa ra kết luận này khi tìm thấy hóa thạch khủng long mới tại mỏ ở tỉnh Alberta, Canada. Con khủng long này có tên khoa học Borealopelta markmitchelli, nặng khoảng 1.300 kg và sống hơn một trăm triệu năm trước ở Bắc Mỹ.
Con khủng long được tìm thấy này, rõ ràng là chết chìm dưới nước ở Biển Bắc thời đó và được bảo quản tốt. Khủng long hóa thạch không chỉ còn xương mà còn cả những mảnh da.
Nhóm nhà khoa học do Caleb M. Brown ở Bảo tàng cổ sinh vật học hoàng gia đứng đầu, sử dụng khối phổ đã có thể ước tính nồng độ melanin trong các mảnh da khác nhau và đi đến kết luận rằng phần trên của cơ thể ankylosaurs sẫm màu hơn phía dưới.
Đây là loại màu ngụy trang cho phép lẫn với màu mặt đất, phổ biến ở động vật vừa và nhỏ, nhưng đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học không chỉ tìm thấy ở con ankylosaur, mà còn ở các loài động vật trên cạn khác có kích thước tương đương con khủng long này. Các nhà khoa học cho rằng ankylosaurs dùng da để ngụy trang trong quá trình trốn những động vật ăn thịt thời đó, thậm chí lớn hơn như Acrocanthosaurus, có chiều cao tới 10m. Còn voi và tê giác cùng thời không có kẻ thù, vì vậy chúng không cần một lớp da ngụy trang.
Các đồng nghiệp của nhóm nhà cổ sinh vật học cũng đưa ra cách giải thích có thể khác đối với lượng melanin khác nhau trong da ankylosaurs. Ví dụ, nếu cơ thể khủng long nằm ngửa dưới nước, da bụng được bảo tồn kém hơn và mau bị mất sắc tố melanin. Tuy nhiên, theo các tác giả nghiên cứu, phân tích các đá trầm tích xung quanh hóa thạch khủng long cho thấy rằng cơ thể khủng long đã bị chôn vùi bởi trầm tích ngay sau khi nó chìm xuống đáy biển, vì vậy phần da trên bụng đã không bị phân hủy.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành một phân tích hóa học để tìm dấu vết đáng kể của benzothiazole, một thành phần giống màu đỏ của melanin. Do đó, họ kết luận rằng da con ankylosaurs có màu hung đỏ.
Vũ Trung Hương