Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Nga, xem xét biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên
Quốc tế - Ngày đăng : 20:07, 01/02/2021
Ông Antony Blinken nói với NBC News về các công cụ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, gồm cả các biện pháp trừng phạt Triều Tiên bổ sung phối hợp với các đồng minh của Mỹ.
Blinken cho biết ông "vô cùng lo lắng trước cuộc đàn áp bạo lực" với những người biểu tình ở Nga và những vụ bắt giữ người biểu tình trên khắp đất nước đòi trả tự do cho thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny.
“Chính phủ Nga đã mắc sai lầm lớn nếu họ tin rằng chuyện đó từ phía chúng tôi. Đó là về họ. Đó là về chính phủ. Đó là về sự thất vọng của người dân Nga với nạn tham nhũng, chế độ chuyên quyền và tôi nghĩ rằng họ cần phải hướng nội chứ không phải hướng ngoại”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trong cuộc phỏng vấn được ghi hình vào ngày 31.1, Antony Blinken không cam kết các biện pháp trừng phạt cụ thể với Nga. Ông cho biết đang xem xét phản ứng với các hành động chống lại Navalny cũng như sự can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 từ Nga, vụ hack vào các cơ quan Chính phủ Mỹ và cáo buộc Nga thưởng tiền cho Taliban để giết binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.
Về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden tuần trước với nhà lãnh đạo Nga, Antony Blinken nói: “Tổng thống không thể thẳng thắn hơn trong cuộc trò chuyện với ông Putin”.
Ngày 26.1, Tổng thống Mỹ Joe Biden không ngại nhắc đến vấn đề nhạy cảm trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga - Vladimir Putin.
Giới chức Mỹ cho biết ông Biden bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny cũng như chất vấn về chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn cùng thông tin Nga theo thưởng để Taliban sát hại lính Mỹ tại Afghanistan. Song, cuộc điện đàm cũng có điểm tích cực.
Hai tổng thống nhất trí cho quan chức Mỹ - Nga gấp rút làm việc để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). “Trong ngày gần nhất hai bên sẽ hoàn tất thủ tục cần thiết để làm việc tốt hơn nữa”, Điện Kremlin thông báo.
Phía Nga cho biết điện đàm vừa diễn ra là cuộc trò chuyện thẳng thắn và thiết thực, hai tổng thống bàn luận hàng loạt vấn đề cấp thiết trong quan hệ song phương lẫn quốc tế như đại dịch COVID-19, thỏa thuận hạt nhân Iran, Ukraine, thương mại. Ông Putin cũng nhấn mạnh cải thiện quan hệ song phương có ích cho cả hai.
Không như người tiền nhiệm Donald Trump hy vọng tái thiết lập quan hệ với Nga, Tổng thống Biden chỉ mong xử lý những khác biệt giữa hai bên mà chẳng cần giải quyết bất đồng hay cải thiện quan hệ. Đối đầu trực tiếp không tốt khi ông Biden đang phải xử lý khó khăn trong nước Mỹ cũng như chú ý hơn đến Iran cùng Trung Quốc.
Hôm 31.1, cảnh sát đã bắt giữ hơn 5.000 người và phá vỡ các cuộc biểu tình trên khắp nước Nga khi những người ủng hộ Alexei Navalny xuống đường phản đối việc bỏ tù ông. Trong số người bị bắt có Yulia Navalnaya, vợ của Alexei Navalny.
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc là một phần của chiến dịch gây áp lực buộc Điện Kremlin trả tự do cho thủ lĩnh phe chống Tổng thống Putin.
Chính trị gia đối lập bị bắt vào ngày 17.1 sau khi trở về Moscow từ Đức, nơi ông hồi phục sau vụ bị đầu độc bằng chất độc thần kinh trên chuyến bay ở Siberia (Nga) vào mùa hè năm ngoái. Alexei Navalny cáo buộc Tổng thống Putin ra lệnh giết ông, nhưng Điện Kremlin phủ nhận điều này.
Alexei Navalny bị buộc tội vi phạm lệnh ân xá mà ông nói là thổi phồng và bị tạm giam 30 ngày để chờ xét xử sau một phiên điều trần bất ngờ tại đồn cảnh sát Khimki gần Moscow. Tòa án sẽ họp vào tuần tới để xem xét có tuyên phạt ông mức án tù giam 3 năm rưỡi hay không.
Phương Tây đã yêu cầu Nga để trả tự do cho Navalny và các đồng minh của ông đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt với 35 người mà họ cho là đồng minh thân cận của ông Putin.