Lãnh đạo quân đội Myanmar lên tiếng khi Tổng thống Biden dọa trừng phạt, Ngân hàng Thế giới lo âu

Quốc tế - Ngày đăng : 09:25, 02/02/2021

Ngân hàng Thế giới cho biết rất lo ngại về tình hình hiện tại ở Myanmar và việc quân đội tiếp quản quyền lực, cảnh báo những sự kiện này có nguy cơ gây trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi và triển vọng phát triển của quốc gia Đông Nam Á.

Chúng tôi lo ngại về sự an toàn và an ninh của người dân ở Myanmar, bao gồm cả nhân viên và đối tác của chúng tôi, đồng thời gặp khó khăn do việc đóng cửa các kênh liên lạc cả trong nội bộ Myanmar và với thế giới bên ngoài”, Ngân hàng Thế giới cho biết cuối ngày 1.2.

Quân đội Myanmar 1.2 đã trao quyền cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, nói rằng đó là phản ứng với những gì họ gọi là gian lận bầu cử.

Các nhà lãnh đạo phương Tây lên án cuộc đảo chính của quân đội Myanmar. Trong đó, Chính phủ Mỹ đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với quân đội Myanmar và đặt ra câu hỏi về triển vọng của 1 triệu người tị nạn Rohingya từ Bangladesh.

Ngân hàng Thế giới cho biết là đối tác cam kết ở đây trong việc hỗ trợ Myanmar chuyển đổi sang dân chủ trong thập kỷ qua, cũng như nỗ lực đạt được tăng trưởng bền vững trên diện rộng và tăng cường hòa nhập xã hội.

Chúng tôi vẫn cam kết với những mục tiêu này. Suy nghĩ của chúng tôi là hướng về người dân Myanmar”, trích thông báo.

Trang web của Ngân hàng Thế giới liệt kê 900 triệu USD trong các cam kết cho vay của họ với Myanmar năm 2020 và 616 triệu USD vào 2017.

Ngân hàng Thế giới trích dẫn cái gọi là những cải thiện có thể đo lường được trong phúc lợi xã hội kể từ khi Myanmar mở cửa vào năm 2011, với tỷ lệ nghèo đói giảm xuống 25% vào năm 2017 từ 48% ở 2005.

Động lực cải cách chậm lại sau năm 2016 khi một chính phủ dân sự mới được bầu phải vật lộn với việc xác định tầm nhìn kinh tế của mình, mặc dù Ngân hàng Thế giới cho biết chính phủ gần đây đã thông qua kế hoạch phát triển bền vững đầy tham vọng và tái tích hợp chương trình cải cách kinh tế của mình.

Ngân hàng Thế giới nói tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ giảm xuống 0,5% trong năm tài chính 2019/2020 từ mức 6,8% một năm trước đó, dù dự báo nền kinh tế Myanmar có thể giảm 2,5% nếu đại dịch COVID-19 kéo dài.

tong-tu-lenh-aung-hlaing-len-tieng-khi-tong-thong-biden-de-doa.jpg
Các binh sĩ đứng gác tại một trạm kiểm soát quân sự của Myanmar trên đường tới khu tổ hợp Quốc hội ở Thủ đô Naypyitaw, Myanmar 1.2

Tổng thống Joe Biden hôm 1.2 đã đe dọa tái áp dụng các biện pháp trừng phạt với Myanmar sau cuộc đảo chính của các nhà lãnh đạo quân đội nước này và kêu gọi phản ứng quốc tế phối hợp để thúc ép họ từ bỏ quyền lực.

Tổng thống Biden lên án việc quân đội Myanmar tiếp quản chính phủ do dân sự lãnh đạo và giam giữ các nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, là "cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của đất nước".

Cuộc khủng hoảng ở Myanmar đánh dấu thử thách lớn đầu tiên với cam kết của ông Biden trong việc hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trong các thách thức quốc tế, đặc biệt là về ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. Lập trường đó trái ngược với cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ thường đi một mình của cựu Tổng thống Donald Trump.

Nó cũng thể hiện sự thống nhất chính sách hiếm có giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa hàng đầu khi cùng chỉ trích cuộc đảo chính ở Myanmar và kêu gọi giải quyết hậu quả.

"Cộng đồng quốc tế nên cùng nhau lên tiếng để thúc ép quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đã nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ. Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ với dân chủ. Việc đảo ngược tiến độ đó sẽ đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật xử phạt và cơ quan chức năng của chúng tôi, sau đó là hành động thích hợp”, ông Biden tuyên bố.

Ông Biden nói Mỹ “ghi nhận những ai sát cánh cùng người dân Myanmar trong giờ phút khó khăn này”.

Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trong toàn khu vực và trên thế giới để hỗ trợ việc khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như quy trách nhiệm cho những người có trách nhiệm trong việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Ông Biden kêu gọi quân đội Myanmar dỡ bỏ mọi hạn chế với viễn thông và kiềm chế bạo lực với dân thường.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng chính quyền Biden đã tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ cấp cao nhằm tạo ra phản ứng của toàn bộ chính phủ với Myanmar và lên kế hoạch tham vấn chặt chẽ với Quốc hội.

Greg Poling và Simon Hudes tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết gần như chắc chắn sẽ có các biện pháp trừng phạt mới với những người liên quan đến cuộc đảo chính. “Nhưng điều đó khó có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến các tướng lĩnh, vì rất ít người trong số họ có ý định đi du lịch hoặc kinh doanh ở Mỹ”, họ nói.

Không giống như phản ứng trước cuộc đảo chính năm 2014 ở Thái Lan, Mỹ không thể rút lui các cuộc tập trận, huấn luyện và mua bán quân sự, vì quan hệ quân sự với Myanmar hầu như không tồn tại.

Cựu Tổng thống Barack Obama bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Myanmar vào năm 2011 sau khi quân đội bắt đầu nới lỏng sự kìm kẹp và đã dỡ bỏ nhiều hạn chế còn lại vào 2016. Năm 2019, chính quyền Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt có mục tiêu với 4 chỉ huy quân đội, bao gồm cả lãnh đạo cuộc đảo chính hôm 1.2.2021 - Tướng Min Aung Hlaing, vì các cáo buộc lạm dụng người Hồi giáo Rohingya và các dân tộc thiểu số khác.

quan-doi-myanmar-dao-chinh-nam-chinh-quyen222.jpg
Tướng Min Aung Hlaing hứa sẽ có một cuộc bầu cử khác nhưng chưa xác định khung thời gian cụ thể

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã thắng 83% trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020. Quân đội gọi việc tiếp quản chính quyền là phản ứng với gian lận bầu cử.

Trước lời đe dọa từ Mỹ, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing hứa sẽ có một cuộc bầu cử tự do, công bằng và bàn giao quyền lực cho bên chiến thắng, mà không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Nhân Hoàng