Đảo chính tại Myanmar: ‘Tâm điểm’ Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing
Quốc tế - Ngày đăng : 10:25, 02/02/2021
Trước đó, quân đội đã nắm quyền ở Myanmar suốt gần 50 năm kể từ lần đảo chính năm 1962. Lực lượng này coi mình là “người bảo vệ” cho thống nhất quốc gia. Nhiều chính trị gia trong đó có bà Aung San Suu Kyi từng phải chịu kiểm soát vì chống đối chính quyền quân quản.
Năm 2015 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ quân đội sang đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi. Nhưng hiến pháp trao cho quân đội 25% số ghế Quốc hội và quyền bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Vấn đề biên giới – đảm bảo họ giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, chia sẻ quyền lực với NLD.
Thăng tiến âm thầm
Quân đội Myanmar khá kín tiếng, giới quan sát hiểu biết rất ít về nội bộ bên trong lực lượng này. Tướng Hlaing cũng vậy.
Ông tránh xa chính trị lúc theo học ngành luật tại đại học Yangon giai đoạn 1972 - 1974 (thời điểm phong trào biểu tình đòi dân chủ nổ ra mạnh mẽ). Một người bạn học cho biết: “Hlaing ít nói và tránh gây chú ý”.
Khi sinh viên xuống đường biểu tình, Hlaing lại nộp đơn xin vào Học viện Quốc phòng (DSA). Ông đã thành công sau 3 lần nộp đơn.
Một bạn học cũ ở DSA đánh giá Hlaing lúc đó là một học viên trung bình, thăng tiến bình thường và từ từ. Tuy nhiên ông vẫn vượt qua quân hàm sĩ quan tầm trung trong các cấp chỉ huy quân đoàn – khiến người bạn học rất ngạc nhiên.
Tướng Hlaing kế nhiệm Tổng tư lệnh Than Shwe vào năm 2011 khi tiến trình chuyển giao dân chủ bắt đầu. Một số nhà ngoại giao tại Yangon cho biết vào thời điểm bà Suu Kyi lên làm lãnh đạo (với chức danh cố vấn nhà nước) năm 2016, người đứng đầu quân đội Myanmar chuyển mình từ một sĩ quan trầm mặc thành một chính trị gia, người của công chúng.
Ông sử dụng Facebook công khai nhiều hoạt động và cuộc gặp với các chức sắc, chuyến thăm đền chùa. Tài khoản tướng Hlaing thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi trước khi bị hủy năm 2017 vì vấn đề nhóm dân tộc thiểu số Rohingya.
Theo một số nhà ngoại giao và nhà quan sát chính trị, tướng Hlaing nghiên cứu nhiều về chuyển giao chính trị ở quốc gia khác. Ông rất nỗ lực giúp Myanmar tránh lâm vào cảnh hỗn loạn lúc thay đổi chế độ như Lybia và các nước Trung Đông năm 2011.
Nhưng tướng Hlaing không định từ bỏ đặc quyền cho quân đội nắm 25% số ghế Quốc hội, cũng như phản đối sửa đổi hiến pháp để đưa bà Suu Kyi lên làm Tổng thống.
Tháng 2.2016, tướng Hlaing khiến giới quan sát bất ngờ khi tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ Tổng tư lệnh của mình thêm 5 năm – điều đi ngược lại truyền thống thay đổi đội ngũ lãnh đạo quân đội định kỳ.
Bị trừng phạt
Cuộc đàn áp quân sự năm 2017 khiến hơn 730.000 người Rohingya theo đạo Hồi chạy sang Bangladesh. Điều tra viên Liên hợp quốc xác định lực lượng vũ trang Myanmar thực hiện nhiều hành vi tàn bạo với ý định “diệt chủng”.
Mỹ vào năm 2019 áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào tướng Hlaing cùng 3 nhân vật lãnh đạo quân đội khác, hàng loạt vụ kiện tại tòa án quốc tế đang diễn ra. Liên hợp quốc cũng kêu gọi trừng phạt những công ty có liên hệ với quân đội Myanmar.
Với chính biến mới nhất, tướng Hlaing và quân đội Myanmar có thể sẽ phải chịu thêm trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.