Nga, Trung Quốc hưởng lợi nếu Biden gia hạn hiệp ước hạt nhân chỉ vì muốn khác Trump
Góc nhìn - Ngày đăng : 21:00, 02/02/2021
Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin về cơ bản đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (hay New START) thêm 5 năm.
Sự sụp đổ của hiệp ước, trong đó đặt ra giới hạn 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược hoặc tầm xa được triển khai, có thể kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới. Dù quyết định của hai bên đáng hoan nghênh nhưng vấn đề phức tạp hơn bề ngoài.
Nga rất vui mừng về thỏa thuận này thể hiện qua việc Điện Kremlin nhanh chóng thông báo "trao đổi công hàm về việc gia hạn thỏa thuận" sau cuộc điện đàm giữa ông Putin và Biden hôm 27.1.
Ông Putin cũng thể hiện niềm vui bằng cách gửi ngay dự luật gia hạn lên Quốc hội, nơi cả Ha viện và Thượng viện đã bỏ phiếu nhất trí thông qua trong các phiên họp khẩn cấp diễn ra hôm 28.1.
Trước đó, Nga từng trông đợi gia hạn hiệp ước với Mỹ, đồng thời đặt ra giới hạn về số lượng hệ thống phân phối hạt nhân chiến lược được triển khai hoạt động như bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân, nhằm duy trì sự cân bằng về kho vũ khí hạt nhân giữa hai quốc gia. Hiệp ước sẽ hết hạn vào ngày 5.2.2021 nếu không được gia hạn.
Sau khi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị loại bỏ vào năm 2019, Mỹ và Nga bắt đầu triển khai các tên lửa đất đối đất có tầm bắn tương đối ngắn từ 500 km đến 5.500 km, vốn đã bị cấm. Do thời gian bay ngắn, những tên lửa này được coi là tác nhân gây ra chiến tranh hạt nhân.
Rõ ràng Nga muốn tránh cuộc chạy đua vũ trang chính thức với Mỹ khi nền kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng ảm đạm trong nhiều năm và chi tiêu ít hơn 10% những gì Mỹ làm cho quốc phòng.
Vào tháng 10.2020, khi New START sắp hết hạn, ông Putin đề xuất Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước ít nhất 1 năm mà không áp đặt bất kỳ điều kiện nào.
Đáp lại, chính quyền Donald Trump yêu cầu Nga không bổ sung đầu đạn vào kho vũ khí của mình. Nga đã đồng ý đóng băng kho dự trữ ở mức hiện tại trong 1 năm. Thế nhưng, thỏa thuận chưa bao giờ được ký kết, rõ ràng vì chính quyền Trump đã bắt đầu phát triển các đầu đạn chiến lược, bao gồm tên lửa đất đối đất có tầm bắn dưới 500 km. Nga dẫn đầu trong lĩnh vực này. Rõ ràng Mỹ không muốn tiết lộ có bao nhiêu đầu đạn chiến lược hoặc chúng được triển khai ở đâu.
Shinji Hyodo, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Khu vực của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản, nhận định: “Tổng thống Trump, ngay từ đầu, có lẽ đã nhắm đến việc để START mới hết hiệu lực”. Vì vậy, ông Trump đã đặt ra các rào cản cao dưới hình thức các điều kiện mà Nga không thể chấp nhận và yêu cầu Trung Quốc trở thành một bên trong thỏa thuận.
Tình hình đã thay đổi đáng kể sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2021. Biden đồng ý gia hạn 5 năm, như một điều khoản hiệp ước yêu cầu, thay vì 1 năm và không đặt ra điều kiện nào. Shinji Hyodo nói rằng nó "tốt hơn những gì tốt nhất mà Nga nghĩ rằng họ có thể hy vọng".
Nga không phải là quốc gia duy nhất hài lòng với đột phá ngoại giao với Mỹ mà Trung Quốc cũng vậy.
Trung Quốc từ chối tham gia khuôn khổ kiểm soát vũ khí hạt nhân do ông Trump đề xuất. Trong khi hoan nghênh thỏa thuận Biden - Putin, Trung Quốc nhấn mạnh lập trường luôn rõ ràng của mình.
Trong báo cáo về hoạt động xây dựng quân đội của Trung Quốc được công bố vào tháng 9.2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo về việc mở rộng vũ khí hạt nhân của nước này khi nói: "Trong thập kỷ tới, kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc dự kiến ít nhất tăng gấp đôi quy mô khi nước này mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình".
Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong một loạt các phép tính, bao gồm cả về mặt quân sự, vào 2049 khi kỷ niệm 100 năm thành lập.
Trừ khi Trung Quốc cũng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, lợi thế về năng lực hạt nhân của Mỹ so với Trung Quốc vẫn còn rất lớn nhưng có thể sẽ bị thu hẹp trong 5 năm tới.
Thỏa thuận gia hạn New START có thể có những ảnh hưởng đến mối quan hệ ba bên của Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn, về kinh tế và quân sự, được thúc đẩy bởi sự đối kháng chung của họ với Mỹ.
Bình luận về khả năng Nga thiết lập một liên minh quân sự với Trung Quốc, ông Putin nói hồi tháng 10.2020: "Về mặt lý thuyết, hoàn toàn có thể hình dung được". Song trong sâu thẳm, Putin cũng lo ngại rằng Nga có thể bị hút vào vùng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Phát biểu của ông Putin dường như là một thông điệp ngoại giao cho thấy Nga không nhượng bộ Mỹ trong thời gian ngắn.
Trong cuộc điện đàm với ông Putin vào ngày 26.1, Biden bày tỏ lo ngại về việc Nga bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập Aleksey Navalny, tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ với chủ quyền của Ukraine và đề cập đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Dù vậy, cả ông Biden và Putin cũng đồng ý thảo luận về ổn định chiến lược về một loạt các vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh mới nổi, bao gồm cả chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Putin rất có thể sẽ nắm bắt cơ hội do Biden sẵn sàng tham gia đối thoại với Nga để hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược đối phó với Mỹ để đáp lại những thay đổi chính sách do chính quyền Biden thực hiện. Thế nhưng, liệu Nhà Trắng của ông Biden có chuẩn bị để đối phó với những thách thức ngoại giao do hai cường quốc này đặt ra?
Vẫn chưa rõ liệu ông Biden có thực sự cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân hay không. Quyết định gia hạn hiệp ước New START của Biden có thể chỉ phản ánh quá khứ của ông khi làm phó tổng thống cho Barack Obama, người đã đặt ra tầm nhìn về một "thế giới không có vũ khí hạt nhân" và ký hiệp ước. Nó cũng có thể phản ánh áp lực từ gánh nặng tài chính khổng lồ trong việc giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19.
Nếu thực sự muốn tạo ra sự khác biệt trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, ông Biden cần phải thể hiện sự cam kết và khả năng thực hiện các hành động hiệu quả mà Obama đã thể hiện.
Nếu ông Biden quyết định gia hạn hiệp ước chỉ như động thái nhằm rút lại chính sách của Trump mà không có chiến lược chặt chẽ để giải quyết các thách thức, quyết định này sẽ chỉ cho Nga khoảng trống và Trung Quốc có thời gian để tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Kết quả có thể là một thế giới đang đối mặt với mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn từ vũ khí hạt nhân.