Loài gấu hang động bị tuyệt chủng vì não nhỏ
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 20:36, 08/09/2017
Gấu hang động sở hữu chiều dài 3,5 m, nặng 200 kg, đã tuyệt chủng khoảng 25.000 năm trước. Chúng ăn tạp, chủ yếu ăn thực vật. Trước đó, giới khoa học tin rằng gấu hang động đã tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu, nhưng bây giờ các nhà sinh vật học Đức đã đưa ra một giả thuyết mới.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu về tỷ lệ kích thước cơ thể so với kích thước não của 412 cá thể gấu hang động thuộc 10 loài. Hóa ra chúng có bộ não nhỏ bất thường so với các loài gấu hiện tại. Tỷ lệ khối lượng của não so với khối lượng cơ thể của động vật được gọi là chỉ số encephalization, cho phép ước tính sự phát triển trí thông minh của con vật. Mặc dù chỉ số encephalization không đưa ra một bức tranh chính xác về khả năng trí tuệ, nhưng có thể được sử dụng để xác định xu hướng và tiềm năng của các loài khác nhau.
Ở gấu hang động, chỉ số này thấp hơn 1,5 - 2 lần so với các loài gấu hiện đại. Theo các tác giả của công trình nghiên cứu, rõ ràng trong quá trình tiến hóa của loài gấu hang động, cơ thể chúng phát triển to lên nhưng kích thước của bộ não không thay đổi.
Họ cho rằng điều này có thể là do thức ăn không cung cấp đủ lượng protein. Dần dần, thời kỳ mang thai của gấu hang động kéo dài hơn, gấu con thì lớn nhanh hơn nhưng động dục muộn hơn. Tổng hợp tất cả các yếu tố này có thể tạo ra các điều kiện góp phần vào sự tuyệt chủng.
Được biết gấu hang động (Ursus spelaeus) là một loài gấu sống ở châu Âu ở thời Pleistocene và đã tuyệt chủng khoảng 25.000 năm trước. Được gọi là gấu hang động là vì những hóa thạch của loài gấu này đã được tìm thấy chủ yếu trong các hang động.
Vũ Trung Hương