Từng xóa tài khoản Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, Facebook bối rối khi bị quân đội Myanmar coi là kẻ thù
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:59, 05/02/2021
Chính quyền mới của Myanmar hôm 4.2 đã chặn Facebook cho đến ít nhất ngày 7.2 sau khi những người phản đối cuộc đảo chính tổ chức sự kiện trên nền tảng này. Một trang bất tuân dân sự mới đã thu hút được gần 200.000 người theo dõi và sự ủng hộ của những người nổi tiếng Myanmar trong những ngày sau cuộc đảo chính, trong khi một hashtag liên quan đã được sử dụng hàng triệu lần.
“Tatmadaw (quân đội Myanmar – PV) coi Facebook là kẻ thù trên internet của họ vì đây là kênh truyền thông thống trị trong nước và có thái độ thù địch với quân đội. Vì người dân Myanmar đang nhanh chóng chuyển sang trực tuyến để tổ chức một chiến dịch bất tuân dân sự quy mô lớn, nên việc đóng cửa quyền truy cập trở thành ưu tiên hàng đầu”, Phil Robertson - Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói với Reuters.
Một phát ngôn viên của Facebook hôm 4.2 đã thúc giục các nhà chức trách Myanmar khôi phục quyền truy cập vào mạng xã hội này và WhatsApp cho 54 triệu cư dân của đất nước. Một nửa trong số 54 triệu người Myanmar sử dụng Facebook.
Facebook sẽ phải quyết định làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo vệ các chính trị gia và nhà hoạt động dân chủ so với hợp tác cùng chế độ mới để khôi phục các dịch vụ. Đây là ví dụ rõ ràng về tình thế khó xử trong chính trị mà công ty mạng xã hội Mỹ phải đối mặt trên toàn thế giới.
Facebook tránh được việc ngừng hoạt động ở một số nước ngoài Trung Quốc nhưng hiện phải đối mặt với áp lực ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác.
Tại Myanmar, Facebook trong những năm gần đây đã hợp tác với các nhà hoạt động dân quyền và các đảng chính trị dân chủ, đồng thời chống lại quân đội sau khi bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì không ngăn chặn được các chiến dịch căm thù trực tuyến.
Cuối tháng 8.2018, Facebook đã gỡ bỏ tài khoản Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing (người đứng đầu cuộc đảo chính hôm 1.2 và hiện nắm chính quyền) cùng 19 sĩ quan và tổ chức cấp cao khác, đồng thời gỡ xuống hàng trăm trang và tài khoản do các thành viên quân đội điều hành vì hành vi phối hợp không xác thực.
Việc gỡ bỏ trang Facebook đã được xác minh của Tướng Min Aung Hlaing diễn ra vài giờ sau khi Phái bộ của Liên Hợp Quốc về Myanmar kêu gọi cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng ở nước Đông Nam Á này.
Trước cuộc bầu cử vào ngày 8.11.2020 của Myanmar, Facebook thông báo đã gỡ xuống một mạng lưới gồm 70 tài khoản và trang giả mạo do các thành viên quân đội điều hành đã đăng nội dung tích cực về quân đội hoặc chỉ trích Suu Kyi cùng đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.
Một đánh giá của Reuters vào đầu tuần này cho thấy có hàng chục trang và tài khoản cáo buộc gian lận bầu cử - lý do được quân đội đưa ra để đảo chính và nắm quyền. Các bài viết bắt đầu vào tháng 10.2020 và tiếp tục sau cuộc bầu cử. Trong 48 giờ trước cuộc đảo chính sáng sớm hôm 1.2, nhiều trang đã kêu gọi can thiệp quân sự.
Sau cuộc đảo chính, các trang đó đã chuyển sang các bài đăng cáo buộc chính phủ bị lật đổ gian lận và biện minh cho việc tiếp quản. Một số trang đã đăng các bài phối hợp chỉ trích hoặc đe dọa các chính trị gia như bà Suu Kyi cũng như các nhà báo và nhà hoạt động.
Facebook đã gỡ bỏ hàng chục tài khoản vào ngày 3.2 ngay trước khi bị chặn ở Myanmar. Reuters không thể xác định nguồn gốc của chúng.
Chỉ hai ngày trước cuộc đảo chính, Chit Hlaing (Bộ trưởng Thông tin mới do quân đội nắm quyền) đã chia sẻ một câu chuyện có chủ đích từ Radio Free Myanmar, mà Facebook đã cấm sau khi nó được sử dụng trong các chiến dịch thông tin chống người Rohingya. Đến ngày 3.2, cả tài khoản và bài đăng của Chit Hlaing đều bị Facebook gỡ xuống.
Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời nhiều cuộc gọi để bình luận về chuyện trên.
Facebook đóng một vai trò quá lớn ở Myanmar, nơi mà với nhiều người dân, nó đồng nghĩa với internet. Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc nói rằng Facebook đã cho phép những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo cực đoan và các thành viên quân đội sử dụng nền tảng này để cổ động chiến dịch bạo lực với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, 700.000 người trong số họ đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp của quân đội vào năm 2017.
Đáp lại, Facebook đã cố gắng giảm bớt lời nói căm thù và thông tin sai lệch, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với xã hội dân sự, đôi khi xung đột với quân đội. Công ty duy trì vai trò trung tâm trong cuộc sống ở Myanmar và chính phủ của bà Suu Kyi thường xuyên công bố các sáng kiến lớn trên trang Facebook của mình.
“Lệnh cấm với Facebook thực sự là lệnh cấm đối với internet”, Zaw Htun Lat, người ủng hộ nhân quyền dân tộc Kachin, viết trên Twitter hôm 4.2.
Hôm 4.2, các nhà cung cấp internet ở Myanmar, gồm cả công ty viễn thông nhà nước MPT, đã chặn quyền truy cập vào các dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook tại nước này.
Một lá thư được đăng trực tuyến bởi Bộ Truyền thông và Thông tin cho biết Facebook sẽ bị chặn cho đến ngày 7.2 vì lý do “ổn định đất nước”.
“Hiện những người gây khó khăn cho sự ổn định của đất nước... đang lan truyền tin tức giả mạo và thông tin sai lệch, gây ra sự hiểu lầm cho mọi người sử dụng Facebook”, thư của Bộ Truyền thông và Thông tin viết.
Nhiều người dùng ở Myanmar cho biết không thể truy cập một số dịch vụ Facebook. Dù vậy, một số người nhận thấy họ vẫn có thể truy cập Facebook ngay cả khi kết nối chậm. Một số phần mềm VPN đã sử dụng để tránh bị chặn.
Theo nhóm giám sát mạng NetBlocks, công ty viễn thông nhà nước MPT (có 23 triệu người dùng) cho biết đã chặn Facebook cũng như dịch vụ Messenger, Instagram và WhatsApp của họ.
Hãng viễn thông Telenor ASA (Na Uy) thông báo chặn Facebook để tuân thủ chỉ thị.