Tàu Thiên Vấn 1 của Trung Quốc sắp đi vào quỹ đạo sao Hỏa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:20, 05/02/2021

Tàu thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn 1 của Trung Quốc dự kiến đi vào quỹ đạo sao Hỏa hôm 10.2, hai ngày trước Tết Nguyên Đán.
tau-thien-van-1.jpg
Tàu Thiên Vấn 1 trong không gian vào ngày 1.10.2020 - Ảnh: CNSA

Theo Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Không gian Trung Quốc (CAST), tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 đã bay hơn 450 triệu km và hiện cách Trái đất khoảng 170 triệu km. Trong những ngày tới, con tàu sẽ tiến hành “hãm phanh” để giảm tốc độ, đảm bảo rằng nó sẽ được lực hấp dẫn của hành tinh đỏ bắt giữ.

Bao Weimin, Giám đốc khoa học và công nghệ tại CAST, hội viên của Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết hoạt động “hãm phanh” rất quan trọng đối với thành công của sứ mệnh. Nếu thất bại, tàu thăm dò sẽ bay qua sao Hỏa và “đi lạc” trong hệ Mặt trời.

Trong suốt quá trình này diễn ra, các hệ thống dẫn đường, điều hướng và điều khiển tự động sẽ đóng vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm tính toán và điều chỉnh từng thao tác.

“Thông thường, đội mặt đất sẽ đưa ra hướng dẫn khởi động động cơ. Nhưng lần này, tàu thám hiểm sẽ tự động làm điều đó và chúng ta chỉ biết được trạng thái của nó thông qua dữ liệu đo từ xa gần một giờ sau đó”, Li Zhencai, phó chỉ huy dự án Thiên Vấn 1, chia sẻ thêm.

Mô phỏng hành trình tới sao Hỏa của tàu Thiên Vấn 1 - Video: CCTV

Tàu Thiên Vấn 1 là sứ mệnh sao Hỏa độc lập đầu tiên của Trung Quốc, bao gồm một tàu quỹ đạo, hệ thống đổ bộ và robot thăm dò. Con tàu được phóng lên bằng tên lửa hạng nặng Trường Chinh 5 vào tháng 3.2020 từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam.

Cơ quan Quản lý Không gian quốc gia Trung Quốc cho biết, nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, con tàu sẽ đi vào quỹ đạo của hành tinh đỏ vào ngày 10.2. Khi đó, nó cách Trái đất khoảng 193 triệu km với tổng quãng đường bay hơn 470 triệu km.

Mục tiêu cuối cùng của sứ mệnh là hạ cánh tàu đổ bộ xuống phần phía nam của sao Hỏa và triển khai robot thăm dò để thực hiện các cuộc khảo sát khoa học tại khu vực Utopia Planitia, một đồng bằng rộng lớn trong lòng chảo Utopia. Đây cũng là hố va chạm lớn nhất trong hệ Mặt trời với đường kính ước tính lên tới 3.300 km.

sao_hoa.jpg
Ba tàu vũ trụ Hope (UAE), Thiên Vấn 1 (Trung Quốc) và Perseverance (Mỹ) sẽ cùng đến sao Hỏa trong tháng 2 này

Ngoài Thiên Vấn 1 của Trung Quốc, 2 tàu vũ trụ khác là Hope và Perseverance cũng sẽ lần lượt tới sao Hỏa trong tháng 2. Tàu vũ trụ Hope của UAE sẽ tới sao Hỏa đầu tiên. Con tàu bắt đầu tiến vào quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 9.2 theo chỉ dẫn thiết lập sẵn, giảm tốc từ hơn 120.000 km mỗi giờ xuống còn 18.000 km mỗi giờ. Sau đó, Hope sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khoa học.

Mặc dù đến nơi muộn nhất nhưng tàu Perseverance của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lại là phương tiện duy nhất đáp xuống sao Hỏa ngay trong tháng này. Dự kiến Perseverance sẽ hạ cánh xuống hành tinh đỏ vào ngày 18.2. NASA cũng đã nhiều lần đưa robot đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ thành công.

Long Hải