Nhiều chia rẽ trong chính quyền Biden khi đối phó Trung Quốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:55, 05/02/2021

Nội các của chính quyền Biden tập hợp nhiều con người có những quan điểm khác nhau trong chính sách đối phó Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đã đưa vào nhóm đặc trách về Trung Quốc của mình những quan chức cấp cao, những người có quan hệ lâu dài với nhau nhưng mục tiêu khác nhau. Cách họ làm việc cùng nhau có thể xác định liệu chính quyền mới có một chính sách thống nhất trong đối phó với Trung Quốc hay là những chia rẽ mà Bắc Kinh có thể khai thác.

biden-trung-quoc.jpg
Đối phó Trung Quốc là bài toán không dễ cho Biden

Một nội các nhiều quan điểm với Trung Quốc

Cựu Ngoại trưởng John Kerry, hiện là đặc phái viên về khí hậu của Nhà Trắng, đang theo đuổi một thỏa thuận khí hậu quốc tế đòi hỏi sự hợp tác của Bắc Kinh. Do Trung Quốc là quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới nên để có hiệu quả thì cần Bắc Kinh hợp tác. Trong khi đó, Đặc phái viên về Trung Quốc của Nhà Trắng, Kurt Campbell, lại muốn gây áp lực vớiTrung Quốc.

Cả hai người đều có ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia, do Jake Sullivan lãnh đạo. Sullivan là người đã từng làm việc với họ trong chính quyền Obama. Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Obama, Susan Rice, hiện là cố vấn chính sách đối nội của Biden, cũng có thể cân nhắc về một số vấn đề của Trung Quốc.

Giờ đây, ông Sullivan cần kết hợp các quan điểm của Hội đồng An ninh Quốc gia với quan điểm của người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ mà những nơi kể trên lại thường có quan điểm khác nhau.

Trong phiên điều trần xác nhận vào tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không cam kết sẽ tiếp tục trừng phạt công ty viễn thông Trung Quốc Huawei. Nhưng ngày hôm sau, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki lại gọi Huawei là “mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh của chúng ta”.

Một số cố vấn bên ngoài của nhóm Biden cho biết sự khác biệt và ưu tiên cá nhân của nội các hiện giờ phần nào giống với nội các nổi tiếng có ý chí mạnh mẽ của Abraham Lincoln hay nói cách khác, họ được mệnh danh là một nhóm đối thủ. Nhưng trong trường hợp này, nội các của Biden tuy là một nhóm đối thủ nhưng lại là đối thủ kiểu anh em trong nhà, dựa trên tình bạn lâu dài của nhiều quan chức cấp cao.

Một quan chức quản lý cấp cao của Biden cho biết: “Có những suy tính khác nhau trong các cơ quan khác nhau. Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta lại thấy những cuộc tranh cãi nặng nề về chính sách đối phó Trung Quốc mà các chính quyền trước đây đã phải đau đầu”.

Một số đảng viên Cộng hòa cho rằng việc ông Biden tập trung vào khí hậu nhất định sẽ làm suy yếu quyết tâm của chính quyền trong việc đối đầu với Trung Quốc trên các mặt trận khác. Thượng nghị sĩ Mitt Romney đến từ Utah và Tom Cotton đến từ Arkansas đã sử dụng các phiên điều trần xác nhận để cảnh báo rằng ông Kerry về chuyện đó.

Ông Romney cho biết trên The Wall Street Journal: “Chính quyền phải rõ ràng trong cả việc hiểu và đẩy lùi mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra. Điều đó có nghĩa là không thể để một thỏa thuận khí hậu và các vấn đề khác “ưu tiên hơn các hành động cần thiết để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Ông Kerry đã cam kết không hy sinh các ưu tiên quân sự hoặc kinh tế cho một thỏa thuận khí hậu với lời nhấn mạnh "Điều đó sẽ không xảy ra". 

Ngay cả một số đồng minh của Biden cũng đoán trước những rạn nứt trong nhóm nội các sẽ phát triển xuất phát các vấn đề như nhân quyền hoặc chính sách công nghiệp, những thứ mà các chính quyền trước đây đã mắc phải giữa các quan chức kinh tế và các quan chức mảng an ninh quốc gia.

Ông Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken đã lên tiếng cứng rắn chống lại chính sách của Bắc Kinh với người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc.

Chính quyền Clinton cũng từng có thái độ tương tự nhưng lại lùi bước khi Bắc Kinh vận động hành lang chính quyền Mỹ thông qua các cố vấn kinh tế. Các cố vấn tài chính, thương mại và kinh tế của Nhà Trắng khi ấy cũng thuyết phục tổng thống rằng chiến dịch nhân quyền không khiến Bắc Kinh lay chuyển nhưng đang làm tổn hại đến quan hệ thương mại, để lại vết sẹo sâu trong chính quyền.
Winston Lord, một cựu chuyên gia của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người đã thua trận trong những năm Clinton, cho biết: “Luôn có sự căng thẳng” giữa thúc đẩy dân chủ và theo đuổi lợi ích kinh doanh". Nhưng ông cho biết kết quả lần này có thể khác vì “tâm trạng ở Trung Quốc đã trở nên u ám nhièu đi, gồm cả từ cộng đồng doanh nghiệp và công nghệ”.

Bắc Kinh sẽ tìm "một người bạn" trong nội các Mỹ

Từ lâu, Bắc Kinh đã cố gắng "sử dụng" một quan chức cấp cao này chống lại một quan chức khác trong nội các Mỹ để giảm bớt áp lực trong các vấn đề từ thương mại đến Đài Loan.

Thời chính quyền Trump, Bắc Kinh đã "chọn" Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người coi Trung Quốc là một nước đóng góp quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Ông Mnuchin đã có thể chặn những người khác muốn xem xét cắt các ngân hàng Trung Quốc khỏi giỏ tiền Mỹ.

Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện đang thử một cách tiếp cận chủ động hơn với nhóm mới của Biden sau khi nhận thấy mình thường xuyên ở thế phòng thủ khi đối phó với chính quyền Trump.

Bắc Kinh đã tổ chức phô trương lực lượng đối với Đài Loan bằng cách cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc đến gần hòn đảo này khi Mỹ đang tiến hành các cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đông gần đó.

Đồng thời, người phụ trách đối ngoại của Bắc Kinh là Dương Khiết Trì cảnh báo chính quyền mới của Mỹ không vượt qua “ranh giới đỏ” trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Dương nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa mối quan hệ quay lại con đường "có thể dự đoán được và mang tính xây dựng".

Dương nói: “Những vấn đề này liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, phẩm giá quốc gia cũng như sự nhạy cảm của 1,4 tỷ người".

Nhóm của ông Biden cho đến nay vẫn chưa phản ứng trước sự lấn lướt của Trung Quốc vì họ muốn có thời gian để vạch ra chiến lược đối phó Trung Quốc.

Ông Biden sẽ khó có cuộc nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho đến khi xong việc nhấc máy gọi cho các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Hàn Quốc cũng như các đối tác tiềm năng khác trong khu vực

Người bạn đó là Blinken
Từ quan điểm của Bắc Kinh, ngoại trưởng Blinken có vẻ như một người đối thoại đầy hứa hẹn. Các chuyên gia đối ngoại ở Bắc Kinh nhắc lại lời bình luận của ông vào mùa thu năm ngoái rằng sự tách rời của hai nền kinh tế sẽ là "phi thực tế và cuối cùng là phản tác dụng."

Ngay sau khi ông Biden đề cử ông Blinken, mạng xã hội của Trung Quốc đã xôn xao với hình ảnh ông Blinken từng sử dụng trên trang cá nhân Twitter: một bức ảnh được chụp cách đây 5 năm khi ông đến thăm Bắc Kinh. “Có vẻ như Blinken sẽ tập trung nhiều hơn vào sự phát triển giữa hai quốc gia, thay vì vào đối đầu trực diện của Mỹ thời Trump với Trung Quốc”, một cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh cho biết.

Các quan chức Biden nói rằng họ thống nhất trong chiến lược đối phó Trung Quốc. Trong nội bộ chính quyền, mối quan tâm chủ yếu tập trung vào việc liệu đặc phái viên Kerry và Campbell có thể hoạt động như một phần của một nhóm hay sẽ cố gắng chi phối mối quan hệ với Trung Quốc theo cách riêng của mình.

Ông Kerry, 77 tuổi, người đã dành 24 năm trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện có đường lối mềm dẻo với Trung Quốc. Ông khẳng định sứ mệnh của mình là lên máy bay và chốt thỏa thuận với Bắc Kinh.

Ông Campbell, 64 tuổi, là một nhà điều hành quan liêu hiểu biết, người đã dành nhiều thập kỷ làm việc về chính sách Trung Quốc và có mối quan hệ lâu dài với các quan chức Trung Quốc. Cùng với ông Sullivan, ông đã giúp thiết kế chính sách xoay trục của chính quyền Obama chuyển hướng sang đối phó Trung Quốc.

Matthew Goodman, cựu chuyên gia về châu Á của chính quyền Obama, phân tích: “Sẽ rất dễ dàng để có được những lời hứa từ Trung Quốc. Nhưng hợp tác thực sự sẽ đòi hỏi phải tìm cách thực thi những lời hứa".

Anh Tú