Phát hiện lạ trong cuộc chiến giữa nòng nọc cóc và nòng nọc ếch

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 05:27, 06/10/2017

Theo tạp chí Functional Ecology, các nhà động vật học từ lâu đã biết rằng nhiều loài nòng nọc có khả năng tiết ra các chất độc để bảo vệ bản thân khỏi những đối thủ săn mồi. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, chất độc có thể giúp ích cho nòng nọc của một loài cóc bình thường trong cuộc cạnh tranh với chính đồng loại.
Nòng nọc của loài cóc thường

Một con cóc thông thường (bufo bufo) có thể đẻ hơn 6.000 quả trứng. Trong số trứng này, sẽ sớm nở ra nòng nọc trong ao hồ trong khoảng thời gian 2-3 tháng, tùy thuộc vào nhiệt độ và độ phong phú của thức ăn. Một ngày nòng nọc thường phát triển bình quân 0,6mm. Da của nòng nọc, giống như da các con cóc trưởng thành, tiết ra chất độc bufotoxin thuộc nhóm bufadienolides, gây rối loạn nhịp tim.

Nhà động vật học Veronika Bököny ở Viện Hàn lâm Khoa học Hungary và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu sự biến đổi về mặt địa lý của nọc độc nòng nọc. Họ đã xác định được rằng nồng độ cao nhất của nọc độc thể hiện mức độ cạnh tranh. Nhưng họ phải khẳng định rằng sự gia tăng tiết chất độc là phản ứng đối với các điều kiện môi trường và không phụ thuộc vào sự khác biệt về di truyền giữa quần thể cóc ở các vùng nước khác nhau.

Do đó, trong nghiên cứu hiện tại, Veronica Bokoni và các đồng nghiệp đã nuôi nòng nọc cóc thường trong các bể. Số lượng nòng nọc trong các bể là khác nhau cốt để mô phỏng mức độ cạnh tranh khác nhau. Trong một số bể, ngoài những con nòng nọc cóc thường, các nhà nghiên cứu còn thả thêm nòng nọc loài ếch Rana dalmatina. Trứng ếch nở nhanh và nòng nọc phát triển nhanh hơn cóc, do đó chúng có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Hóa ra, nòng nọc loài cóc bình thường trở nên độc hại hơn và có kích thước nhỏ hơn khi số lượng các đối thủ cạnh tranh trong các hồ chứa tăng lên và hiệu ứng này đã được quan sát thấy cả khi có đối thủ cạnh tranh là đồng loại và các loài khác. Nhưng trong cuộc cạnh tranh với đồng loại thì nòng nọc cóc sản sinh nhiều chất độc hơn so với sự có mặt của nòng nọc con ếch khi chất độc của nòng nọc cóc không tỏ ra có tác động tới sự phát triển của nòng nọc ếch.

Sự việc này khiến các nhà khoa học suy đoán về công dụng của chất độc. Có khả năng chất độc đó chỉ phục vụ cho mục đích chống lại các đại diện cùng loài. Tuy nhiên, Bokoni đưa ra một lời giải thích khác. Việc tiết ra độc tố có thể là phản ứng miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm khi xác suất mắc các bệnh này tăng lên đáng kể vì có quá đông nòng nọc.

Vũ Trung Hương