Hàng nghìn người Myanmar xuống đường đòi thả các lãnh đạo dân sự

Quốc tế - Ngày đăng : 17:47, 06/02/2021

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã nổ ra tại Myanmar vào thứ bảy hôm nay để đòi chính quyền quân sự phải thả các lãnh đạo dân sự.

Hàng nghìn người đã xuống đường ở Yangon trong cuộc biểu tình lớn đầu tiên được tổ chức kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong một cuộc đảo chính hồi đầu tuần.

Đám đông cầm cờ, biểu ngữ, kêu gọi quân đội thả bà Aung San Suu Kyi, các nhà lãnh đạo dân sự và các nhà lập pháp, những người đã bị giam giữ trong các cuộc đột kích rạng sáng thứ hai.

Đám đông hô vang "Chúng tôi đòi dân chủ" khi họ tuần hành gần trung tâm thành phố Yangon, khiến chính phủ buộc phải ngừng hoạt động internet.

Hàng chục cảnh sát, một số trong trang phục chống bạo động đã cố gắng chặn đường đoàn biểu tình, buộc đám đông phải đổi hướng.

myanmar-bieu-tinh-3.jpg

Trong cuộc tuần hành quy mô lớn, có thể chứng kiến người qua đường chào giơ 3 ngón tay hay vỗ tay thể hiện đoàn kết với những người biểu tình. Người đi đường đưa nước cho cả người biểu tình và cảnh sát như cách xoa dịu căng thẳng.

Các nhân chứng mô tả đám đông ngày càng mở rộng quy mô, trước khi giải tán sau vài giờ. Nhưng một số cuộc biểu tình nhỏ hơn, rải rác vẫn tiếp diễn, đáng chú ý là cuộc biểu tình ở Đại học Yangon, nơi hàng trăm người chủ yếu là thanh niên tụ tập và tiếp tục hô hào.

Sự phản kháng đối với cuộc đảo chính ban đầu tỏ ra hạn chế, một phần do khó khăn về thông tin liên lạc trên diện rộng, cũng như lo ngại về một cuộc đàn áp.

Dịch vụ giám sát Internet NetBlocks hôm thứ Bảy cho biết Myanmar đang ở trong tình trạng mất điện internet "quy mô quốc gia" lần thứ hai khi quân đội cố gắng củng cố quyền lực của mình.

Theo NetBlocks, dữ liệu mạng theo thời gian thực cho thấy khả năng kết nối đã giảm xuống còn 54% so với mức thông thường và người dùng phản ánh là họ rất khó vào mạng.

myanmar-bieu-tinh-2.jpg

Bộ Giao thông và Vận tải Myanmar (MoTC phụ trách luôn vận tải truyền thông) đã ra lệnh đóng cửa mạng dữ liệu trên toàn quốc vào thứ bảy, theo công ty viễn thông Na Uy Telenor Group, đơn vị điều hành Telenor Myanmar.

Trên Twitter, Telenor Group cho biết Bộ đã trích dẫn "Luật Viễn thông của Myanmar và viện dẫn việc chống lưu hành tin tức giả, sự ổn định của quốc gia và lợi ích của toàn dân làm cơ sở cho lệnh này".

Trong khi các cuộc gọi thoại và tin nhắn SMS vẫn hoạt động, Tập đoàn Telenor cho biết họ vô cùng lo ngại về việc Internet bị đóng cửa, nhưng Telenor Myanmar là một công ty bản địa và do đó "bị ràng buộc bởi luật pháp bản địa và cần phải xử lý tình huống bất thường và khó khăn này".

"Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về tác động của việc đóng cửa internet đối với người dân ở Myanmar", Telenor lên tiếng.

Dù việc kết nối internet đã bị gián đoạn vào thứ bảy nhưng một số người vẫn có thể phát video về cuộc tuần hành ở Yangon trên các nền tảng mạng xã hội.

Sự sụt giảm kết nối xuất hiện sau các động thái chặn truy cập vào các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và Twitter, cũng như một số hãng tin tức địa phương nổi tiếng.

Quân đội nắm quyền đột ngột làm tất cả ngỡ ngàng

Việc quân đội nắm quyền đột ngột diễn ra khi quốc hội mới được mở và sau nhiều tháng căng như dây dàn giữa chính phủ dân sự và quân đội. Ủy ban bầu cử quốc gia Myanmar đã nhiều lần phủ nhận việc gian lận cử tri quy mô lớn trước nghi ngờ của quân đội.

Hàng trăm nhà lập pháp của Liên minh quốc gia vì Dân chủ đã bị giam giữ tại thủ đô Naypyitaw hôm thứ hai. Chính quyền do quân đội kiểm soát kể từ đó đã loại bỏ 24 bộ trưởng và cấp phó khỏi chính phủ đồng thời chỉ định 11 thân tín lên thay thế, những người sẽ đảm nhận vai trò của họ trong chính quyền mới.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc đảo chính có nhiều khả năng xảy ra với việc quân đội đang cố gắng khẳng định lại quyền lực của mình và tham vọng cá nhân của Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người sắp từ chức vào năm nay, hơn là những tuyên bố nghiêm trọng về gian lận cử tri.

Cuộc đảo chính ở Myanmar đã bị quốc tế lên án rộng rãi. Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar "ngay lập tức từ bỏ quyền lực, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức bị giam giữ, dỡ bỏ mọi hạn chế về thông tin và kiềm chế bạo lực đối với dân thường".

Liên Hợp Quốc cũng cho biết sẽ tạo áp lực tối đa để Myanmar trở lại tình trạng dân sự như trước đây. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam kết: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để huy động cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Myanmar, đảm bảo cuộc đảo chính này sẽ thất bại. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được sau các cuộc bầu cử mà tôi tin đã diễn ra bình thường, sau một giai đoạn chuyển đổi lớn ở đất nước này”.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, tất cả những người bị quân đội giam giữ trong cuộc đảo chính ở Myanmar phải được trả tự do và trật tự hiến pháp phải được khôi phục. “Tôi hy vọng có thể làm cho quân đội ở Myanmar hiểu rằng đây không phải là cách để cai trị đất nước và đây không phải là cách để tiến lên”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Anh Tú (theo CNN)