Twitter chơi với lửa, bị dọa phạt tù vì từ chối chặn hơn 250 tài khoản và tweet theo yêu cầu từ Ấn Độ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:11, 06/02/2021
Các quan chức chính phủ, doanh nhân, cư dân mạng bình thường đang chia rẽ về quyền tự do ngôn luận và thực tiễn tuân thủ của Twitter trong cuộc tranh cãi xảy ra ngay sau khi nhà vận động hành lang hàng đầu công ty này ở Ấn Độ từ chức.
Twitter tuần này từ chối tuân theo lệnh xóa tweet và tài khoản mà Chính phủ Ấn Độ cho rằng có nguy cơ kích động bạo lực dẫn đến cuộc đối đầu này. Đây là ví dụ mới nhất về mối quan hệ xấu đi giữa chính quyền Thủ tướng Narendra Modi với các nền tảng mạng xã hội Mỹ như Twitter, Facebook, WhatsApp.
Twitter có thị phần rất cao ở quốc gia 1,3 tỉ dân, nơi mạng xã hội này có hàng triệu người dùng và được Thủ tướng Narendra Modi, các bộ trưởng trong nội các của ông và các nhà lãnh đạo khác sử dụng nhiệt tình để giao tiếp với công chúng.
Nông dân đang tiến hành cuộc biểu tình ngày càng tăng chống lại luật nông nghiệp mới, với hàng chục ngàn người cắm trại ở ngoại ô Thủ đô New Delhi và phát động phong tỏa đường trên toàn quốc vào ngày 6.2.
Khi cuộc khủng hoảng kéo dài leo thang, Chính phủ Ấn Độ đã tìm cách chặn khẩn cấp hastag #ModiPlanningFarmerGenocide (tạm dịch Modi lập kế hoạch diệt chủng nông dân) và hàng chục tài khoản trên Twitter.
Twitter ban đầu đã tuân thủ nhưng sau đó đã khôi phục hầu hết các tài khoản với lý do "không đủ lý lẽ" để tiếp tục tạm ngưng. Bộ công nghệ Ấn Độ đã cảnh báo Twitter, trong một bức thư mà Reuters nhìn thấy, về hậu quả pháp lý có thể bao gồm phạt tiền hoặc tù, nói rằng chính phủ không cần phải biện minh cho yêu cầu cấm các tài khoản đó.
Giám đốc chính sách công của Twitter, Mahima Kaul gần đây đã từ chức, hai nguồn tin cho biết. Một quảng cáo trên LinkedIn cho thấy công ty đang tìm kiếm các ứng viên cho vị trí quan hệ với Chính phủ Ấn Độ.
Mahima Kaul chưa bình luận về chuyện này.
Twitter đã xác nhận việc từ chức của Mahima Kaul, nói rằng cô sẽ ở lại đến tháng 3.2021 và đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi, nhưng từ chối bình luận.
'Twitter không phải là nhà lập pháp’
Các nhà hoạt động tự do ngôn luận cho rằng Chính phủ Ấn Độ không nên cố gắng sử dụng các quy định pháp luật để ngăn cản quyền tự do ngôn luận, trong khi những người khác nói Twitter nên tuân thủ hoặc ra tòa.
“Twitter đang chơi với lửa. Nếu có yêu cầu pháp lý, bạn buộc phải gỡ nội dung xuống. Bạn có thể tự do thách thức nó trước tòa”, một giám đốc điều hành mạng xã hội Ấn Độ, người đã rất ngạc nhiên trước sự không tuân thủ của Twitter, nhận xét.
Năm 2019, hội đồng Quốc hội do một nhà lập pháp từ đảng theo trường phái dân tộc chủ nghĩa người Hindu do Thủ tướng Modi đứng đầu đã cảnh báo Twitter sau khi Giám đốc điều hành Jack Dorsey không xuất hiện trước ủy ban.
Năm 2020, Jack Dorsey gây ra cơn bão trên mạng xã hội sau khi bức ảnh chụp ông cầm một tấm áp phích có nội dung "đập tan chế độ phụ hệ Bà La Môn", ám chỉ giai cấp cao nhất của người Hindu, được lan truyền.
Chế độ phụ hệ là hệ thống mà hậu duệ được tính theo người cha và theo họ người cha. Đây là hệ thống xã hội mà trong đó con người thuộc về dòng dõi người cha, liên quan đến việc thừa kế tài sản và danh hiệu.
Tuần này Jack Dorsey trở thành tâm điểm bàn tán trên bản tin truyền hình Ấn Độ sau khi ông bấm like dòng tweet gợi ý công ty nên xem xét giới thiệu biểu tượng cảm xúc về cuộc biểu tình của nông dân.
Meenakashi Lekhi, nhà lập pháp từ đảng của Thủ tướng Modi đứng đầu một hội đồng Quốc hội về quyền riêng tư dữ liệu, đã chỉ trích Twitter vì không tuân theo lệnh của chính phủ, đồng thời nói cô vẫn chưa quyết định có triệu tập giám đốc điều hành công ty hay không.
“Twitter cần hiểu rằng họ không phải là nhà lập pháp. Không phải chính sách của họ sẽ hoạt động, mà là chính sách của nhà nước, quốc gia sẽ hoạt động”, Meenakashi Lekhi nói với Reuters.
Gọi cuộc đối đầu là “không thể tránh khỏi”, tờ báo Hindu cho biết trong một bài xã luận hôm 5.2: “Các bài đăng kích động không có chỗ trên bất kỳ nền tảng nào, nhưng tự do ngôn luận không nên bị ảnh hưởng”.
Prasanth Sugathan thuộc trung tâm luật ở Ấn Độ, nói: “Cách tiếp cận có chọn lọc của chính phủ để yêu cầu các công ty truyền thông xã hội cấm nội dung khi nó không phù hợp với câu chuyện chính thức là có vấn đề. Nó bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do báo chí".