‘Sông băng ở Himalaya vỡ, 100–150 người chết’

Quốc tế - Ngày đăng : 15:30, 07/02/2021

Có 100 - 150 người được cho là đã chết sau khi một sông băng ở Himalaya vỡ và đâm vào con đập tại Ấn Độ vào sáng sớm 7.2, với lũ lụt buộc các ngôi làng ở hạ lưu phải sơ tán.
song-bang-o-himalaya-vo-100-150-nguoi-chet-tham1.jpg
Quang cảnh con đập bị hư hại sau khi sông băng ở Himalaya vỡ và đâm trúng đây tại làng Raini Chak Lata, quận Chamoli, phía bắc bang Uttarakhand, Ấn Độ, ngày 7.2

Om Prakash, Chánh văn phòng bang Uttarakhand (Ấn Độ), nơi vụ việc xảy ra, nói với Reuters: “Con số thực tế vẫn chưa được xác nhận, nhưng 100 đến 150 người đã chết”.

Một bức tường bụi, đá và nước ập xuống khi một tuyết lở ầm ầm đổ xuống thung lũng Rishiganga nằm sâu trong dãy núi Uttarakhand, một nhân chứng cho biết.

Nó đến rất nhanh, không có thời gian để báo cho ai cả. Tôi cảm thấy rằng ngay cả chúng tôi cũng sẽ bị cuốn trôi”, Sanjay Singh Rana, sống ở thượng nguồn của làng Raini (Ấn Độ), nói với Reuters qua điện thoại.

Theo Sanjay Singh Rana, người dân địa phương lo ngại rằng những người làm việc tại một dự án thủy điện gần đó đã bị cuốn trôi cùng những người đi lang thang gần sông để kiếm củi hoặc chăn thả gia súc.

Ông nói: “Chúng tôi không biết có bao nhiêu người mất tích”.

Bộ trưởng Uttarakhand - Trivendra Singh Rawat cho biết 125 người mất tích nhưng con số có thể tăng lên. Đến nay, thi thể của 7 người đã được vớt lên.

Một số lượng lớn người mất tích là công nhân tại Dự án Thủy điện Rishiganga 13,2 MW - đã bị phá hủy do vỡ sông băng.

Thảm họa xảy ra khoảng 500 km về phía bắc của New Delhi.

Ấn Độ cũng đã đặt nhiều quận phía bắc của nước này trong tình trạng báo động cao.

Bộ Nội vụ liên bang cho biết 12 người bị mắc kẹt trong một đường hầm đã được giải cứu. Các nỗ lực đang được tiến hành để cứu những người khác bị kẹt trong một đường hầm khác.

Cơ quan tiện ích nhà nước NTPC cho biết trận tuyết lở đã làm hư hại một phần của nhà máy thủy điện Tapovan Vishnugad đang được xây dựng ở phía dưới sông.

Các máy bay trực thăng quân sự của Ấn Độ đã bay qua khu vực này và các binh sĩ được triển khai để giúp đỡ cứu trợ và cứu nạn.

Bang lân cận Uttar Pradesh, đông dân nhất của Ấn Độ, đặt các khu vực ven sông của mình trong tình trạng báo động cao.

Đoạn video do người dân địa phương chia sẻ cho thấy nước cuốn trôi các bộ phận con đập cũng như bất cứ thứ gì khác trên đường đi của nó.

song-bang-o-himalaya-vo-100-150-nguoi-chet-tham.jpg
Ảnh trích từ video 

Các video trên mạng xã hội cho thấy nước dâng qua một đập nhỏ, cuốn trôi các thiết bị xây dựng.

Dòng chảy của sông Alaknanda ngoài thị xã Nand Prayag đã trở nên bình thường. Mực nước sông hiện cao hơn bình thường 1m nhưng dòng chảy đang giảm dần”, Trivendra Singh Rawat, Bộ trưởng bang Uttarakhand, cho biết trên Twitter.

"Ấn Độ đứng cùng Uttarakhand và cả nước cầu nguyện cho sự an toàn của mọi người ở đó", Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter.

Tại bang Uttarakhand trên dãy Himalaya dễ xảy ra lũ quét và lở đất.

Thảm họa này đã thúc đẩy các nhóm môi trường kêu gọi xem xét lại các dự án điện ở vùng núi nhạy cảm về mặt sinh thái.

Vào tháng 6.2013, lượng mưa kỷ lục đã gây ra lũ lụt kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người.

Thảm họa đó được các phương tiện truyền thông gọi là “sóng thần Himalaya” do các dòng nước xả ra ở vùng núi, khiến bùn và đá đổ ập xuống, vùi lấp nhà cửa, cuốn trôi các tòa nhà, đường xá và cầu cống.

Uma Bharti, cựu Bộ trưởng tài nguyên nước của Ấn Độ và quan chức cấp cao dưới quyền Thủ tướng Narendra Modi, đã chỉ trích việc xây dựng dự án điện trong khu vực.

"Khi còn là một bộ trưởng, tôi đã cảnh báo rằng Himalaya là một nơi rất nhạy cảm, vì vậy các dự án điện không nên được xây dựng trên sông Ganga và các phụ lưu chính của nó", bà viết trên Twitter, đề cập đến nhánh sông chính chảy từ núi.

Các chuyên gia môi trường kêu gọi ngừng các dự án thủy điện lớn trong bang.

Ranjan Panda, tình nguyện viên của Mạng lưới Chống Biến đổi Khí hậu hoạt động về các vấn đề nước, môi trường và biến đổi khí hậu, cho biết: “Thảm họa này một lần nữa đòi hỏi một sự giám sát nghiêm túc với các đập thủy điện đang xây dựng ở khu vực nhạy cảm với môi trường này. Chính phủ không nên phớt lờ những cảnh báo từ các chuyên gia và ngừng xây dựng các dự án thủy điện cùng mạng lưới đường cao tốc rộng khắp trong hệ sinh thái mong manh này”.

Nhân Hoàng