Nhiều người Trung Quốc bỏ tiền nhận lời mời dùng mạng xã hội Clubhouse của Mỹ để bàn về Tân Cương, Hồng Kông
Thế giới số - Ngày đăng : 17:00, 07/02/2021
Các ứng dụng truyền thông xã hội của Mỹ như Twitter, Facebook, YouTube đều bị cấm ở Trung Quốc, nơi internet địa phương bị kiểm duyệt chặt chẽ để loại bỏ nội dung có thể làm suy yếu chính quyền ông Tập Cận Bình.
Ra mắt vào đầu năm 2020, ứng dụng Clubhouse đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về số lượng người dùng vào đầu tháng 2.2021 sau khi CEO Tesla - Elon Musk và CEO Robinhood - Vlad Tenev tổ chức một cuộc thảo luận bất ngờ về nền tảng này.
Các phòng trò chuyện của Clubhouse chỉ có thể truy cập thông qua lời mời từ thành viên hiện tại. Tính đến ngày 7.2, lời mời tham gia Clubhouse được bán với giá từ 50 - 400 nhân dân tệ (7,73 USD - 69,59 USD) trên các trang thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc.
Reuters đã trực tiếp quan sát một số cuộc trò chuyện trong câu lạc bộ tiếng Trung, nơi hàng ngàn người dùng lắng nghe các cuộc thảo luận bằng âm thanh trên phạm vi rộng về các chủ đề như trại giam Tân Cương, nền độc lập của Đài Loan và luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông.
Các cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm khắc hơn trong những năm gần đây, mở rộng phạm vi các ứng dụng, phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội bị cấm ở nước này.
Trong khi vẫn chưa bị Trung Quốc kiểm duyệt, Clubhouse chỉ có sẵn trên thiết bị chạy hệ điều hành iOS và không có sẵn trong cửa hàng ứng dụng Apple ở nước này, tạo nên rào cản lớn cho việc sử dụng rộng rãi ứng dụng.
Người dùng Trung Quốc đại lục có thể truy cập và cài Clubhouse bằng cách sửa đổi vị trí cửa hàng ứng dụng của họ.
Không rõ tại sao Clubhouse vẫn chưa bị chặn ở Trung Quốc khi một số trang xã hội nước ngoài có lượng người nước này theo dõi nhỏ vẫn phải hoạt động dưới sự kiểm, gồm cả 8kun.
Trong một câu lạc bộ trò chuyện tập trung vào chính trị Hồng Kông, các nhà hoạt động, nhà báo và nghệ sĩ đã thảo luận về cựu Tổng thống Trump và cơ sở ủng hộ của ông ở thuộc địa cũ của Anh.
Một câu lạc bộ tiếng Trung nổi tiếng khác trên Clubhouse liên quan đến cuộc trao đổi cởi mở hiếm hoi giữa các cư dân mạng ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông về căng thẳng chính trị gia tăng trong khu vực.
Cuộc thảo luận đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Weibo vào ngày 6.2.
"Tôi không biết môi trường này có thể tồn tại được bao lâu, nhưng tôi chắc chắn sẽ ghi nhớ khoảnh khắc này trong lịch sử internet", một người dùng cho biết trong bài đăng phổ biến trên Weibo với hơn 65.000 lượt thích.
Vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được công bố rộng rãi, Clubhouse được thành lập bởi Paul Davison và Rohan Seth. Đó là nền tảng xã hội dựa trên âm thanh. Bạn có thể vào phòng (hoặc tạo phòng) và nghe hoặc tham gia thảo luận về các chủ đề về cách giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp của bạn, tương lai của nhân loại,…. Các phòng thường có diễn giả, các hội đồng và người kiểm duyệt. Cuộc trò chuyện diễn ra trong thời gian thực, có nghĩa là bạn có thể nghe thấy mọi người đưa ra ý kiến của họ về chủ đề đó và bạn cũng có thể xin phép đưa ra ý kiến của mình.
“Hãy tưởng tượng bạn đang ở cùng phòng với tất cả mọi người trên thế giới”, Natasha Scruggs, luật sư từ thành phố Kansas (bang Missouri, Mỹ), người đã sử dụng Clubhouse trong vài tuần, cho biết.
Clubhouse thể hiện mong muốn kết nối với nhau của mọi người vào thời điểm giãn cách xã hội và bị cô lập ở nhà.
ClubHouse thu hút sự chú ý của những nhân vật nổi tiếng. Đầu tháng 2, CEO Tesla và Space X - Elon Musk đã xuất hiện để thảo luận mọi câu hỏi liên quan đến sao Hỏa. CEO Facebook - Mark Zuckerberg xuất hiện sau đó để nói về AR (tương tác thực tế ảo) và VR (thực tế ảo) trong công việc từ xa.