Điều khu trục hạm USS Rafael Peralta tới Nhật, Mỹ rà soát lại thế trận quân sự toàn cầu
Quốc tế - Ngày đăng : 17:02, 07/02/2021
Rời khỏi cảng nhà California (Mỹ), USS Rafael Peralta trở thành tàu chiến thứ 12 đóng tại Yokosuka cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu chỉ huy Hạm đội 7 USS Blue Ridge.
Thêm một khu trục hạm cho căn cứ tiền phương là quyết định không nhỏ. Hơn nữa, đi theo tàu là thủy thủ đoàn 300 người cùng gia đình của mình. Việc duy trì các tàu tiên tiến nhất như Hạm đội 7 là một phần của quá trình triển khai rất quan trọng với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Những đợt triển khai như vậy dự kiến sẽ tăng lên khi Tổng thống Joe Biden bắt tay vào rà soát thế trận quân sự của Mỹ trên toàn cầu.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên, ông Biden thông báo: “Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ dẫn dắt công tác rà soát thế trận toàn cầu để đảm bảo hiện diện quân sự phù hợp với chính sách đối ngoại và ưu tiên an ninh quốc gia. Kế hoạch rút quân khỏi Đức tạm thời dừng lại cho đến khi rà soát hoàn tất”.
Cuối tháng 6.2020, cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh cắt giảm 1/3 số quân Mỹ đóng tại Đức với lý do chính quyền Berlin đóng góp quá ít chi phí quốc phòng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga nên Mỹ bị các thành viên NATO khác chỉ trích.
Song với kế hoạch mới này, Bộ trưởng Austin cam kết tham khảo ý kiến đồng minh cùng đối tác trong lúc rà soát thế trận quân sự. Động thái ngừng kế hoạch rút quân khỏi Đức cho thấy Tổng thống Biden sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với đồng minh và đối tác.
Tuyên bố điều chỉnh hiện diện quân sự phù hợp ưu tiên an ninh có thể báo hiệu chính quyền Biden sắp tập trung nhiều lực lượng hơn cho khu vực Mỹ - Trung đang tranh giành ảnh hưởng rất gay gắt: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng trước, điều phối viên phụ trách vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) - Kurt Campbell cùng quan chức NSC phụ trách vấn đề Trung Quốc - Rush Doshi xác định rằng dàn trải lực lượng giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào số ít cơ sở quân sự dễ bị "tổn thương" tại Đông Á.
Tổng thống Biden cũng cân nhắc trì hoãn rút quân khỏi Afghanistan, điều này đem đến nguy cơ không hoàn thành đúng hạn chót với thỏa thuận hòa bình ký kết với lực lượng Taliban (dưới thời cựu Tổng thống Trump). Có ý kiến rằng chính quyền Biden nên phối hợp với các đồng minh NATO khác trong chuyện này nhằm đảm bảo tương lai ổn định cho Afghanistan.
Mọi Tổng thống Mỹ đều phải điều chỉnh hiện diện quân sự sao cho phù hợp biến động địa chính trị từng thời điểm. Chẳng hạn như sau khi xảy ra vụ khủng bố 11.9 gây chấn động, cựu Tổng thống George W. Bush chuyển từ cách tiếp cận truyền thống thời Chiến tranh Lạnh sang tập trung vào phương thức chiến tranh cơ động và bất tương xứng về lực lượng để tiêu diệt khủng bố.
Cựu Tổng thống Barack Obama thì chủ trương xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương: Điều động quân từ Trung Đông và châu Âu đến Úc và vùng xung quanh. Nhưng cuộc chiến chống khủng bố IS kéo dài khiến kế hoạch không thực hiện được.
Cựu Tổng thống Trump lại tập trung yêu cầu đồng minh san sẻ chi phí quốc phòng. Nhật Bản, Hàn Quốc đều bị gây sức ép phải đóng góp tài chính nhiều hơn nếu không Mỹ sẽ rút quân đồn trú. Đàm phán san sẻ chi phí còn dang dở buộc Tổng thống Biden phải tiếp tục.
Nhà nghiên cứu Bruce Klingner thuộc tổ chức Heritage Foundation cho rằng Tổng thống Biden nên ra tuyên bố duy trì số quân Mỹ ở đồn trú Hàn Quốc cho đến khi mối đe dọa từ hạt nhân, tên lửa, vũ khí thông thường của Triều Tiên giảm đi đáng kể.
Quân đội Mỹ sẽ không đơn độc. Hàng loạt cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức đều lên kế hoạch tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.