Chính quyền ông Tập Cận Bình ra quy tắc mới khiến các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hoang mang
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:08, 07/02/2021
Các quy tắc mới chính thức hóa dự thảo luật chống độc quyền trước đó được phát hành vào tháng 11.2020 và làm rõ một loạt các hành vi độc quyền mà các cơ quan quản lý có kế hoạch trấn áp.
Các nguyên tắc này dự kiến sẽ gây áp lực mới lên các dịch vụ internet hàng đầu Trung Quốc, bao gồm trang thương mại điện tử Taobao và Tmall của Tập đoàn Alibaba hay JD.com, dịch vụ thanh toán Alipay (Ant Group), WeChat Pay (Tencent Holding)...
Các quy tắc do Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) ban hành trên trang web của mình, cấm các công ty khỏi nhiều hành vi, bao gồm cả việc buộc người bán hàng phải lựa chọn giữa những công ty internet hàng đầu của quốc gia, một thông lệ lâu năm trên thị trường.
SAMR cho biết các hướng dẫn mới nhất sẽ “ngăn chặn các hành vi độc quyền trong nền kinh tế nền tảng và bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường”.
Thông báo từ SAMR cũng cho biết họ sẽ ngăn các công ty cố định giá, hạn chế công nghệ, sử dụng dữ liệu và thuật toán để thao túng thị trường.
Trong phần hỏi đáp kèm theo thông báo, SAMR cho biết các báo cáo về hành vi chống độc quyền liên quan đến internet ngày càng gia tăng và họ đang phải đối mặt với những thách thức trong việc điều tiết ngành.
“Hành vi được che giấu nhiều hơn, việc sử dụng dữ liệu, thuật toán, quy tắc nền tảng... khiến việc phát hiện và xác định đâu là các thỏa thuận độc quyền trở nên khó khăn hơn”, SAMR cho hay.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu thắt chặt giám sát các gã khổng lồ công nghệ của mình, đảo ngược cách tiếp cận theo kiểu tự do một thời.
Vào tháng 12.2020, các nhà quản lý đã khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Tập đoàn Alibaba sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Ant Group (chi nhánh tài chính của Alibaba) bị đình chỉ.
Ngày 8.1.2021, cơ quan giám sát internet của Trung Quốc đã đưa ra dự thảo sửa đổi các quy tắc điều chỉnh các dịch vụ trực tuyến. Đề xuất này là lần sửa đổi lớn đầu tiên kể từ khi chỉ thị được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2000, sẽ tăng gấp đôi số lượng chủ đề lên 54 từ 27 để phù hợp với sự gia tăng của smartphone, mạng xã hội và các trang web chia sẻ video.
Mức phạt tối đa với hành vi phổ biến thông tin bị cho sai sự thật và gây rối trật tự xã hội sẽ được nâng lên 1 triệu nhân dân tệ (154.000 USD). Hình phạt sẽ đặc biệt nhắm vào thông tin sai lệch về coronavirus cũng như các bài đăng được đánh giá là có hại cho an ninh quốc gia.
Các quy định mới cũng sẽ cấm các dịch vụ xóa các bài đăng trên mạng xã hội với một khoản phí và cấm các giao dịch tài khoản trực tuyến không hợp pháp.
Các nhà chức trách sẽ lấy ý kiến từ chuyên gia về các quy tắc được đề xuất cho đến đầu tháng 2.2020 và các nghị định dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2021.
Các quy tắc được đề xuất của Trung Quốc sẽ tăng mức phạt tối đa cho việc phát tán tin đồn sai sự thật trên internet
Tài liệu bất hợp pháp và không phù hợp được các nhà chức trách ghi nhận tổng cộng 163 triệu trường hợp vào năm 2020, theo thống kê chính thức gần đây, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Trung Quốc, các cá nhân phải cung cấp thông tin nhận dạng cá nhân chính để sử dụng mạng xã hội và hoặc các dịch vụ internet khác. Nghiêm cấm đăng ký thông tin sai lệch hoặc sử dụng dịch vụ dưới tên của người khác. Giao dịch thẻ SIM được quy định: Phải điền đầy đủ giấy tờ trước khi cho người khác mượn thẻ.
Các công ty dự kiến sẽ yêu cầu người dùng tuân thủ các quy định mới. Các dịch vụ cung cấp tin tức và thông tin sẽ hoạt động theo chế độ cấp phép. Các nhà chức trách sẽ thiết lập một danh sách đen, với các tổ chức và cá nhân được chỉ định sẽ bị cấm phổ biến thông tin trong 3 năm.
Các quy định mới dường như là một phần của việc thực thi cứng rắn hơn mà Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền của ông đang áp đặt với phát ngôn trực tuyến. Vào tháng 11, các nhà chức trách đã công bố các quy định mới quản lý các luồng video trực tiếp để đối phó với việc tiếp nhận chúng tăng vọt.
Các quy tắc này yêu cầu các công ty phát trực tiếp phải đăng ký với chính phủ và trẻ vị thành niên bị cấm quyên góp tiền trực tiếp cho những người có ảnh hưởng.
Trung Quốc đã giải quyết các quy định về không gian mạng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 với tư cách là Tổng bí thư. Luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2017. Năm 2020, các nhà chức trách đã công bố dự thảo luật bảo mật dữ liệu nhằm quản lý chặt chẽ cách các doanh nghiệp xử lý thông tin kỹ thuật số.
Theo chuyên gia Kendra Schaefer, các động thái gần đây của chính quyền ông Tập Cận Bình nhằm điều chỉnh những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) Trung Quốc là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của nước này để trở thành một siêu cường về công nghệ. Xem chi tiết tại đây.