'Cua kẻ trộm' khổng lồ giết chim ó để ăn thịt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 20:51, 10/11/2017
Nhà nghiên cứu Mark Laidre của đại học Dartmouth (Anh) khi nghiên cứu loài “cua kẻ trộm” ở quần đảo hẻo lánh Chagos (thuộc Ấn Độ Dương) đã chứng kiến cảnh tượng mà ông gọi là “hồi cuối khủng khiếp”:
Con cua khổng lồ trèo lên một ngọn cây, lẻn đến gần con chim ó biển chân đỏ nằm ngủ trong ổ của nó trên một nhánh cây gần mặt đất. Rồi con cua luồn một càng vào bẻ một cánh của con chim, làm con chim rớt khỏi cây.
Sau đòn tấn công đầu tiên, con cua khổng lồ - còn gọi là “cua kẻ trộm”- chậm rãi bò xuống đất, bò theo con chim ó rồi lấy càng bẻ cánh còn lại. Con chim ó bị gãy cả hai cánh, nằm ngửa dưới đất và hết cách chống cự.
Ngay lập tức, 5 con cua dừa khác ngửi thấy mùi máu liền tìm đến, xé xác con chim ó và ăn thịt nó.
Theo nhà nghiên cứu Shichiro Oka thuộc trung tâm nghiên cứu Okinawa Churashima (Nhật Bản), “cua kẻ trộm” dễ dàng bẻ cánh một con chim lớn. Năm 2016, ông từng cho thấy càng loài cua này có thể giáng một lực 3.300 newton, tức mạnh hơn bất kỳ loài giáp xác nào, và tương đương lực cắn của một con thú săn mồi lớn, ví dụ sư tử.
Ông Oka nói: “Lực đập của cua dừa có thể tạo ra một lực lớn hơn trọng lượng cơ thể nó từ 80 đến 100 lần. Con cua trong vidéo này nặng cỡ 2 kg, nên nó dễ dàng bẻ xương con chim ó”.
“Cua kẻ trộm” làm chủ “hòn đảo của sự sợ hãi”
Cua dừa có tên La tinh là Birgus latro, là loài không xương sống lớn nhất sống trên mặt đất. Nó có thể nặng tới 4 kg (to như con mèo nhà) và càng của nó có thể vươn khoảng 1 mét.
Loài vật to lớn khác thường này có nhiều ở các bãi san hô ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và ở những đảo nhỏ, cua dừa trưởng thành là loài vật sống trên đất lớn nhất.
“Cua kẻ trộm” nổi tiếng giỏi leo cây, dùng đôi càng khỏe để bóp vỡ quả dừa để ăn. Đôi khi chúng cũng ăn thịt, nhưng trước đây chúng được cho là chỉ có cơ hội ăn xác thối.
Trước đây, chưa hề có ai chứng kiến “cua kẻ trộm” săn lùng và hạ sát một loài vật có xương sống lớn, nhưng phát hiện của ông Laidre cho thấy “cua kẻ trộm” có thể thống trị môi trường sinh thái của chúng, và làm các loài vật khác - ví dụ chim biển - không dám sinh sống trên các đảo hoang, vì sợ biến thành bữa ăn ưa thích của cua khổng lồ.
Nghiên cứu sâu hơn của ông Laidre đã phần nào xác minh giả thiết trên. Ông đã tiến hành những thăm dò, và phát hiện loài chim biển không sống trên các đảo có “cua kẻ trộm” sống, và ngược lại.
Ông nói: “Ở những nơi mà loại cua này hiện diện đông đảo, nếu những loài chim biển không đặt trứng trong tổ trên mặt đất thì đó là một sự tính toán rất khôn ngoan. Nhưng ở những nơi đông chim biển, “cua kẻ trộm” sẽ khó làm bá chủ, vì nếu nhiều chim ở đó, cua dừa nhỏ con hơn sẽ khó phát triển lớn hơn, vì sẽ bị chim ăn thịt”.
Vẫn còn phải chờ xem hành vi giết chim ăn thịt của “cua kẻ trộm” là nhất thời, hay thường xuyên.
Ông Laidre lập kế hoạch đặt thêm máy quay video ở lối vào hang của loài cua này để tìm hiểu chúng lôi gì về để ăn, và chúng có thường săn bắt chim biển để ăn thịt hay không.
Trung Trực (theo Guardian, News Scientist)