Nông sản – sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhiều nhất trong năm 2020
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:08, 08/02/2021
Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 22 đơn và cấp 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm đều là các sản phẩm tươi sống, trong đó có 6 sản phẩm là hoa quả tươi (sầu riêng Cái Mơn, na dai Lục Nam, thanh long Châu Thành Long An, cam Hàm Yên, bưởi Khả Lĩnh, khóm Cầu Đúc), 3 sản phẩm thủy hải sản (tôm hùm Phú Yên, ba ba Văn Chấn, yến sào Khánh Hòa), còn lại các nông sản khác (gia vị, động vật tươi sống, gạo).
Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ giúp người dân mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng, danh tiếng cho sản phẩm. Điển hình như trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tỏi An Thịnh – sản phẩm đầu tiên ở Bắc Ninh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; đồng thời cũng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tỏi “Lý Sơn”.
Về mặt chất lượng, tỏi An Thịnh có hàm lượng Allicin từ 6,01 - 15,67 mg/g; hàm lượng Tro thô từ 0,8 - 1,24%; hàm lượng Polyphenl tổng số từ 595,15 - 755,00 mg/kg; hàm lượng Selenium từ 648,15 - 763,60 mg/kg; hàm lượng vitamin C từ 90,45 - 136,72 mg/kg; hàm lượng dầu bay hơi từ 0,77 - 0,83%...
Nhờ các bí quyết canh tác truyền thống của người dân như sử dụng giống bản địa, lựa chọn giống và bảo quản giống tốt, bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác bằng phương pháp thủ công và kinh nghiệm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng đã góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm tỏi An Thịnh.
Trong khi đó, người Lý Sơn trồng giống tỏi trắng, có màu trắng vôi, thịt củ màu trắng ngà có sắc xanh đặc trưng, mùi thơm dịu, vị cay dịu nhẹ, có vị ngọt. Sản phẩm tỏi được trồng ở đây có 2 dạng về hình thái củ (tỏi nhiều tép thường có trên 3 tép và tỏi ít tép thường có từ 1 - 3 tép, được gọi là “tỏi cô đơn” Lý Sơn).
Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ ra rằng các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý được nộp trong năm 2020 vẫn là các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó UBND cấp huyện/thành phố trực thuộc tỉnh vẫn là tổ chức nộp đơn và quản lý số lượng chỉ dẫn địa lý lớn nhất (với 9 chỉ dẫn địa lý).
Điều đó cho thấy sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý vào quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn còn rất hạn chế.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, để tận dụng hết được những lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại, Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh tới việc cần có các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất sản phẩm vào tiến trình đăng ký quản lý chỉ dẫn địa lý.
Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã định hướng sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn tới theo 3 quan điểm chỉ đạo lớn, gồm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính sách sở hữu trí tuệ là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, Chiến lược đề ra 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu “Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu”.
Ở mục tiêu này, các chỉ tiêu định lượng về số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp/quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức Việt Nam cũng được xác định rõ. Ví dụ như số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 -14%/năm…
Đây là các chỉ tiêu định lượng có thể tác động tới kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời cũng sẽ là một trong các tiêu chí thể hiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia.