Phớt lờ lời hứa của lãnh đạo quân đội Myanmar, nhiều người tiếp tục phản đối đảo chính
Quốc tế - Ngày đăng : 09:02, 09/02/2021
Cuộc đảo chính ngày 1.2 và bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự đắc cử - Aung San Suu Kyi đã dẫn đến 3 ngày biểu tình khắp quốc gia Đông Nam Á 54 triệu dân với phong trào bất tuân dân sự ngày càng tăng ảnh hưởng đến các bệnh viện, trường học, văn phòng chính phủ.
Nhiều người coi khinh những lời hứa hôm 8.2 từ nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing rằng sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới, trong bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi nắm quyền. Ông Min Aung Hlaing đã lặp lại những cáo buộc gian lận chưa được chứng minh trong cuộc bầu cử vào tháng 11.2020 khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu” là tuyên bố từ Maung Saungkha, nam thanh niên kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo NLD, mong muốn chế độ độc tài sụp đổ hoàn toàn cũng như bãi bỏ hiến pháp cho phép quân đội quyền phủ quyết trong Quốc hội.
Một thế hệ các nhà hoạt động cũ được hình thành trong các cuộc biểu tình bị trấn áp đẫm máu vào năm 1988 đã kêu gọi các nhân viên chính phủ tiếp tục đình công trong 3 tuần nữa.
“Chúng tôi cũng yêu cầu những người biểu tình trên toàn quốc đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau một cách có hệ thống”, Min Ko Naing, đại diện cho nhóm 88 Generation, tuyên bố.
Sau khi hàng chục ngàn người xuống đường khắp Myanmar biểu tình hôm 8.2, lệnh địa phương cấm tụ tập trên 4 người đã được áp dụng. Đại sứ quán Mỹ ở Myanmar cho biết đã nghe về lệnh giới nghiêm từ 20 giờ tối đến 4 giờ sáng 9.2 ở hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay.
Các cây cầu nối trung tâm Yangon với các quận đông dân bên ngoài đã bị đóng cửa vào 9.2.
Không có bình luận nào thêm từ nhà chức trách về các biện pháp ngăn chặn người biểu tình.
Một số người phản đối cuộc đảo chính đã gợi ý trên mạng xã hội rằng mọi người nên họp thành nhóm 4 người để phản đối, tránh được lệnh cấm tụ tập đông người.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình hôm 8.2, Min Aung Hlaing cho biết quân đội sẽ hình thành “nền dân chủ thực sự và có kỷ luật”, khác với các thời kỳ quân đội cai trị trước đây khiến Myanmar bị cô lập và nghèo đói.
Tổng tư lệnh quân đội nói: “Chúng tôi sẽ có cuộc bầu cử đa đảng và sẽ giao quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử đó, theo các quy tắc của nền dân chủ”. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ cáo buộc gian lận của ông trong cuộc bỏ phiếu năm ngoái.
Min Aung Hlaing không đưa ra khung thời gian tổ chức bầu cử.
Phát biểu từ Min Aung Hlaing đã gây ra phản ứng giận dữ trên mạng xã hội, với một số người đăng hình ảnh họ đưa một ngón tay lên tivi khi ông nói.
Các chính phủ phương Tây đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính dù có rất ít hành động cụ thể cho đến nay để gây áp lực lên các tướng lĩnh Myanmar.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác. Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 12.2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar theo yêu cầu của Anh và Liên minh châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết đang xem xét các biện pháp trừng phạt có mục tiêu.
Trong bức thư hôm 8.2, thành viên cấp cao của NLD đã yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres “sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để đảm bảo đảo chính đảo ngược nhanh chóng”.
Đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì vận động cho dân chủ, Suu Kyi đã trải qua gần 15 năm bị quản thúc tại gia khi bà đấu tranh để chấm dứt gần nửa thế kỷ cai trị của quân đội.
Nữ lãnh đạo 75 tuổi này đã bị giam giữ bất hợp pháp kể từ khi bị bắt. Suu Kyi phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp 6 máy bộ đàm và đang bị cảnh sát giam giữ cho đến ngày 15.2.
Luật sư của Suu Kyi nói không được phép gặp bà. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã nỗ lực cả chính thức và không chính thức để tiếp cận bà Suu Kyi nhưng bị từ chối.