Mỹ muốn nói chuyện với bà Suu Kyi, quân đội Myanmar từ chối phũ phàng
Chuyển động - Ngày đăng : 10:32, 09/02/2021
Những người biểu tình hôm 8.2 đã tiếp tục tuần hành trên khắp con phố tại Yango (thành phố lớn nhất Myanmar) dù quân đội đã cảnh báo có thể có động thái chống lại các cuộc tụ tập quy mô lớn.
Tại thị trấn San Chaung, phía bắc trung tâm Yangon, nơi giới chức địa phương tuyên bố cấm các cuộc tụ tập đông người, vẫn ghi nhận hơn 200 giáo viên xuống đường biểu tình trên các con phố lớn. Họ giơ cao ba ngón tay, giống như phong trào ủng hộ dân chủ ở Thái Lan.
Một vài nhóm khác đã tụ tập trước trụ sở đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Người biểu tình đều mặc đồ đỏ, màu tượng trưng cho NLD, và đem theo ảnh chân dung bà Suu Kyi.
Biểu tình quy mô lớn phản đối quân đội nắm quyền ở Myanmar đã bước sang ngày thứ tư liên tiếp và đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các vụ đụng độ nghiêm trọng hiện vẫn chưa được ghi nhận, song cảnh sát nước này đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán người biểu tình ở Thủ đô Naypyidaw hôm 8.2.
Trong bối cảnh hàng chục nghìn người biểu tình khắp Myanmar phản đối đảo chính và phong trào bất tuân dân sự ngày càng tăng ảnh hưởng đến các bệnh viện, trường học, văn phòng chính phủ, nhiều địa phương đã ra quy định cấm tụ tập trên 4 người.
Đáng chú ý, giới lãnh đạo quân đội Myanmar hôm 8.2 còn ban lệnh thiết quân luật tại Yangon và Mandalay, cấm người dân biểu tình hoặc tụ tập quá đông người, đồng thời yêu cầu người dân không ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại vùng Ayeyarwaddy ở phía nam.
Mỹ đề nghị nói chuyện với bà Suu Kyi, quân đội Myanmar thẳng thừng từ chối
Trong buổi họp báo hôm 9.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price cho biết quân đội Myanmar đã từ chối yêu cầu của Washington để nói chuyện với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
"Ngay sau sự kiện ngày 1.2, chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với bà Aung San Suu Kyi. Chúng tôi đã làm điều đó cả chính thức và không chính thức. Tuy nhiên, những yêu cầu đó đều bị từ chối", ông Price cho biết.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về hạn chế tụ tập sau các cuộc biểu tình đông người ở Myanmar, cam kết sát cánh cùng người dân Myanmar.
"Chúng tôi sát cánh với người dân Myanmar, ủng hộ quyền tập hợp hòa bình của họ, bao gồm cả biểu tình một cách hòa bình để ủng hộ chính phủ được bầu cử dân chủ. Tất nhiên, chúng tôi rất lo ngại trước tuyên bố gần đây của quân đội Myanmar về hạn chế các cuộc tụ tập công khai", ông Ned Price nói.
Theo ông Ned Price, Mỹ đang nỗ lực hạn chế một số viện trợ cho Myanmar sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với nước này.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar được đánh giá là bài kiểm tra lớn đầu tiên với cam kết của chính quyền Biden về vấn đề nhân quyền, trong chính sách đối ngoại của Mỹ và hợp tác nhiều hơn với các đồng minh đối phó các thách thức quốc tế.