Người dùng Trung Quốc, chuyên gia nói gì khi chính quyền ông Tập Cận Bình chặn Clubhouse?
Thế giới số - Ngày đăng : 14:52, 09/02/2021
Sau khi dành gần 8 giờ mỗi ngày trên Clubhouse vào tuần trước, Xie đã thay đổi ảnh đại diện trên ứng dụng trò chuyện thoại thời thượng thành mã QR cho tài khoản WeChat của cô vào tối 8.2.
"Vui lòng thêm tôi trên WeChat để chúng ta có thể kết nối sau khi Clubhouse bị cấm", cô nói trong một phòng trò chuyện trên Clubhouse, nơi hơn 100 người dùng đã tụ tập để thảo luận về các dấu hiệu cho thấy ứng dụng này đột nhiên bị chặn ở Trung Quốc đại lục.
Vào đêm muộn 8.2, người dùng trên khắp Trung Quốc bắt đầu báo cáo lỗi hệ thống khi truy cập vào ứng dụng truyền thông xã hội dựa trên âm thanh do Mỹ phát triển, theo trang Nikkei. Một thông báo xuất hiện khi họ cố gắng mở Clubhouse cho biết "không thể thực hiện kết nối an toàn với máy chủ" - lỗi điển hình xảy ra khi các cơ quan quản lý Trung Quốc chặn một trang web.
Các phòng trò chuyện liên quan đến lệnh cấm Trung Quốc xuất hiện trên Clubhouse sau thông tin trên, khi người dùng Trung Quốc thảo luận về các lựa chọn thay thế nếu họ quá mất quyền truy cập ứng dụng này.
Một số người dùng đã chọn di chuyển danh bạ của họ sang WeChat, nhưng không phải tất cả đều nghĩ rằng ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc sẽ là sự thay thế phù hợp cho Clubhouse do không thể nói chuyện thoải mái ở đó. WeChat thuộc sở hữu của Tencent, được biết bị chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt nội dung trò chuyện.
"Chúng tôi có nhiều ứng dụng xã hội tương tự ở Trung Quốc, nhưng không có ứng dụng nào trong số đó sẽ là lựa chọn thay thế Clubhouse thực sự", Xie nói hôm 8.2 nhưng yêu cầu không sử dụng tên đầy đủ của mình.
Với nhiều người dùng Trung Quốc, công nghệ đằng sau Clubhouse không phải là mới. Ứng dụng truyền thông xã hội ở Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện chỉ dành cho những người được mời và cho phép người dùng nhảy vào các phòng trò chuyện âm thanh để thảo luận về các chủ đề khác nhau. Đó là các tính năng đã xuất hiện trên YY.com, Dizhua, Lizhi và một số ứng dụng mạng xã hội dựa trên giọng nói khác ở Trung Quốc như đầu năm 2011.
Dizhua, ứng dụng chatroom dựa trên giọng nói ra mắt tại Trung Quốc đầu năm 2019, được xem là giống nhất với Clubhouse. Tuy nhiên, Dizhua mới chỉ được tải xuống 140.000 lần trên App Store ở Trung Quốc so với 3,9 triệu lượt cài đặt Clubhouse vào tuần đầu tiên của tháng 2.2021, theo công ty phân tích dữ liệu SensorTower.
Kenichiro Hara, nhà đầu tư lĩnh vực tiêu dùng tại Tokyo (Nhật), cho biết: "Không phải vì công nghệ của Clubhouse tốt hơn các ứng dụng khác. Mọi người đều đang sử dụng bộ phát triển phần mềm giống nhau cho âm thanh. Các ứng dụng xã hội đều hướng đến hiệu ứng mạng. Nếu bạn truy cập vào ứng dụng và không thấy bất kỳ người bạn nào, nghĩa là bạn không thấy bất cứ nội dung nào, thì đó không phải là một ứng dụng tốt". Ông nói thêm, khả năng thu hút cơ sở người dùng toàn cầu của Clubhouse, những người có thể tạo ra nội dung chất lượng để mang lại nhiều lượt đăng ký mới, tạo nên sự khác biệt giữa nó với các ứng dụng Trung Quốc khác.
Các tính năng phát trực tiếp âm thanh của Clubhouse được cung cấp bởi Agora, công ty phần mềm có trụ sở tại Thượng Hải, được thành lập bởi Giám đốc công nghệ cũ của YY.com. Agora liệt kê nhiều ứng dụng mạng xã hội hàng đầu ở Trung Quốc là khách hàng của mình.
Clubhouse được phát hành vào tháng 3.2020 nhưng gần đây đã cất cánh ở châu Á sau khi Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, giới thiệu nền tảng này. Công ty không tính số lượng người dùng theo khu vực nhưng cho biết đã phát triển rất nhanh ở châu Á nhờ "người dùng mời nhau".
Dù có công nghệ tương tự, nhiều ứng dụng Trung Quốc khó có thể lặp lại thành công như Clubhouse trên phạm vi toàn cầu do sự kiểm duyệt của Bắc Kinh, theo các chuyên gia trong ngành.
Bà Cassie Chen, giám đốc sản phẩm tại một công ty công nghệ Trung Quốc, nói: “Thật thú vị khi một ứng dụng của Mỹ được chú ý nhiều đến vậy trong khi Trung Quốc có rất nhiều ứng dụng tương tự với các tính năng tốt hơn nhưng không có cái nào trở thành hit như thế này”.
Cassie Chen nói thêm rằng kiểm duyệt nội dung là vấn đề then chốt với nhiều ứng dụng xã hội dựa trên giọng nói ở Trung Quốc, nơi các chủ đề chính trị như Thiên An Môn và Tân Cương bị cấm được thảo luận.
“Giá trị của Clubhouse không phải là công nghệ mà là quyền tự do ngôn luận và kết nối toàn cầu. Đó chính xác là điều mà các ứng dụng Trung Quốc này không thể sao chép”, Cassie Chen nhận định.
Các ứng dụng xã hội dựa trên giọng nói không phải là sự đổi mới duy nhất mà Trung Quốc vượt qua Thung lũng Silicon những năm gần đây. Nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều với sức chi tiêu ngày càng tăng, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về các công nghệ hướng tới người tiêu dùng.
Jeffrey Lee, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Northern Light tập trung vào Trung Quốc, nói: "Nếu nhìn vào 1,3 tỉ người và tốc độ đô thị hóa, dân số chỉ đông đúc ở các thành phố có lối sống di động. Đây sẽ là điểm nóng thích hợp cho một loại mô hình sử dụng và kinh doanh mới".
"Tôi có thể nói rằng không chỉ Clubhouse mà rất nhiều thứ đang sao chép các công ty Trung Quốc", ông cho biết thêm.