Các nước láng giềng nên chọn thái độ nào với giới quân đội Myanmar lúc này?

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:16, 11/02/2021

Các nước láng giềng của Myanmar khá bối rối trước việc đảo chính quân sự. Họ chưa có thái độ rõ ràng và bài viết của Giám đốc viện Takshashila là Nitin Pai sẽ cho thấy bức tranh của tình hình.

Phản ứng quốc tế đối với các cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar có thể chia ra làm hai loại chính: Thứ nhất là "chúng tôi yêu cầu khôi phục nền dân chủ ngay lập tức" và thứ hai là "các tướng lĩnh có thể hành động không đúng mực, nhưng chúng ta vẫn cần họ".

myanmar-1.jpg

Hai kiểu phản ứng trên dường như đối chọi nhau, nhưng đối với những người xử lý tinh tế thì họ dung hòa được. Một cách để đạt được điều này là nói một đằng, làm một nẻo hay chiêu cao hơn là phát ngôn và hành động nước đôi cùng một lúc. Nếu chúng ta sử dụng những phương pháp như vậy trong cuộc sống cá nhân và gia đình của mình, nó sẽ bị coi là hai mặt, đạo đức giả. Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế, không thể dễ dàng hành xử như ở nhà. Điều quan trọng là đảm bảo lợi ích quốc gia trước tiên.

Đây là lộ trình mà chính phủ Narendra Modi sẽ phải thực hiện với Myanmar trong vài năm tới, sau cuộc đảo chính của Tướng Min Aung Hlaing vào đầu tháng này. New Delhi nên vận động cho việc khôi phục một chính phủ dân chủ, ngay cả khi quân đội tham gia vào chính quyền mới. Đây không hẳn là một nhiệm vụ khó khăn và Ấn Độ đã xoay sở được chiến lược này trong hai thập kỷ qua, dù giờ chuyện có thể trở nên khó hơn tùy theo tình hình bất ổn chính trị ở Myanmar diễn ra như thế nào.

Ủng hộ bà Aung San Suu Kyi có lợi ích gì?

myanmar2.jpg

Một phản ứng dữ dội chống lại sự cai trị quân sự của Myanmar đang diễn ra ngay lúc này. Các nhân viên y tế, sinh viên, một số công chức và cả các nhà tu hành Phật giáo công khai phản đối chính quyền. Không giống như các lần trước, các cuộc biểu tình công khai lần này có thể đạt được một số thành công, đặc biệt là nếu có sự ủng hộ từ đảng, Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD của Aung San Suu Kyi) và thậm chí người trong hàng ngũ của Lực lượng vũ trang của Myanmar, Tatmadaw.

Đối với New Delhi, thách thức sẽ là phá vỡ chính sách đối ngoại ra khỏi hai loại bẫy tư duy phổ biến: Thứ nhất, quan điểm cho rằng việc ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đồng nhất là vì lợi ích của Ấn Độ và thứ hai, việc không ủng hộ các tướng lĩnh sẽ đẩy Myanmar vào vòng tay của Trung Quốc.

Suu Kyi khác Benazir Bhutto hay Nelson Mandela. Không hẳn là một nhà dân chủ tự do kiểu lãnh tụ, bà không muốn hoặc không thể chống lại chủ nghĩa chuyên chế đã cắm rễ sâu ở Myanamar. Điều đó khiến bà ấy đôi khi chẳng khác gì một người đàn ông thuộc Tatmadaw. Và để đáp lại những lời chỉ trích của quốc tế về vấn đề người Rohingya, bà Suu Kyi bắt đầu tiếp cận Bắc Kinh đến mức chính quân đội Myanmar cũng phải lo lắng.

san-suu.jpg

Không thể đổ lỗi cho bà vì đã theo đuổi những gì bà coi là lợi ích chính trị của mình và lợi ích quốc gia của Myanmar - nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận rằng bà Suu Kyi được đa số người Myanmar yêu thích. Bà Suu Kyi không phải là một nhà dân chủ tự do cũng không phải là đối tác chống lại địa chính trị Trung Quốc ảnh hưởng.

Tướng lĩnh Myanmar cũng dè chừng Trung Quốc

Cuộc đảo chính của tướng Min Aung Hlaing không liên quan đến hệ tư tưởng, chính sách hay thậm chí là lợi ích tập thể của Tatmadaw. Đó là về khát vọng của một cá nhân. Những thay đổi chính sách duy nhất mà bạn có thể mong đợi Min Aung Hlaing thực hiện là những thay đổi phục vụ quyền lợi cho bản thân. Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cả nền kinh tế của Myanmar cũng như an ninh của các tỉnh biên giới đã khiến Tatmadaw vươn ra hợp tác với Ấn Độ, Nga, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thậm chí cả phương Tây để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Min Aung Hlaing biết rằng Trung Quốc sẽ không phản đối cuộc đảo chính của ông, nhưng có nhiều khả năng lo ngại rằng cái giá mà Myanmar phải trả sẽ rất cao. Ông ấy không thể làm gì nếu không có Bắc Kinh vào lúc này, nhưng nếu ông ấy giữ được quyền lực thành công, ông ấy sẽ tìm cách hợp tác Ấn Độ, ASEAN và thậm chỉ là cả với Mỹ nếu chính quyền Joe Biden chấp nhận.

Về phần mình, Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố lợi ích của mình và có được ảnh hưởng lớn hơn trong nền kinh tế, quân sự và chính trị của Myanmar. Điều này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân tộc, như nó đã xảy ra trong thập kỷ qua.

Điều này có nghĩa là New Delhi không cần quá lo lắng về cái bóng của Bắc Kinh trong các giao dịch với Myanmar. Bất kể chính trị của bà Suu Kyi là gì, việc thúc đẩy một mô hình phát triển trong khu vực khác với Trung Quốc là vì lợi ích chiến lược của Ấn Độ. Một Myanmar ổn định, dân chủ, theo mô hình liên bang là cần thiết cho Ấn Độ để mở ra tiềm năng to lớn của "Hành động hướng Đông". Myanmar ổn định cũng sẽ giúp chính trị của các bang Nagaland, Manipur và Assam của Ấn Độ ổn định.

Con đường phía trước cho Ấn Độ

Như đã lập luận, “New Delhi nên ngừng nhìn khu vực từ góc độ của những bất an địa chính trị của riêng mình. Ấn Độ không cần giành giật Myanmar để ngăn quốc gia đó chịu sự thống trị của Trung Quốc. Thay vào đó là Myanmar cần Ấn Độ để ngăn mình bị Trung Quốc chi phối.

Nếu hậu quả của cuộc đảo chính của Tướng Min Aung Hlaing mở rộng từ việc trở thành một cuộc tranh giành chính trị xem ai sẽ cai trị Myanmar sang các chiến tranh, thì New Delhi sẽ có một lý do khác để lo ngại, vì những xung đột đó có thể tràn sang Ấn Độ. Do Bangladesh cũng lo ngại về đám cháy lan, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để New Delhi và Dhaka hợp tác chặt chẽ hơn.

Quân đội Myanmar thân Nga, đề cao cảnh giác Trung Quốc

Các đoàn xe quân sự được ghi lại trên truyền hình trong những giờ đầu của cuộc đảo chính tại Myanmar cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa quân đội nước này và "người bạn trung thành" Moscow.

8-myanmar-army.jpg

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết nhiều xe bọc thép hạng nhẹ trên đường phố thời điểm đảo chính được sản xuất tại Nga. Đây cũng là những mặt hàng nhập khẩu nằm trong danh sách ngày càng tăng và thể hiện mối quan hệ giữa nền tảng quốc phòng của Moscow và quân đội Myanmar ngày càng bền chặt.

Theo viện nghiên cứu, vào năm 2019, năm gần đây nhất mà dữ liệu được công bố, hóa đơn mua khí tài quân sự của Myanmar trong thập kỷ qua ước tính khoảng 807 triệu USD.

Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao (tại cơ quan tư vấn của Thụy Điển, nơi theo dõi các xu hướng toàn cầu về vũ khí và chi tiêu quân sự) cho biết, các phương tiện quân sự Nga xuật hiện trên đường phố Myanmar vào sáng ngày 1.2 "có thể mới được chuyển giao gần đây" – tức trong vòng hai đến ba năm trở lại đây - nhưng "chưa được ghi nhận" trong các bản tin chính thức của Myanmar.

Các nhà ngoại giao châu Á tại Myanmar tỏ ra không mấy ngạc nhiên trước việc khí tài Nga in dấu trong cuộc đảo chính quân sự. Họ nói với Nikkei Asia rằng Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, đã tích cực vun đắp quan hệ quốc phòng với Moscow trong thập kỷ qua để tránh phụ thuộc vào. Bắc Kinh. Cho đến giờ Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Myanmar.

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết Tatmadaw (quân đội Myanmar) đã theo đuổi chiến lược thân Nga để mở rộng các lựa chọn quốc phòng và ngoại giao.

Nhà ngoại giao này cho biết: "Về liên kết quân sự, Tatmadaw dường như có nhiều cam kết toàn diện hơn với Nga". "Về mặt ngoại giao, điều đó có lợi khi Nga giữ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ".

Mối liên hệ với Moscow đã được nhấn mạnh trong những ngày cận kề cuộc đảo chính. Nga và Trung Quốc đã vận dụng cơ chế ngoại giao linh hoạt để bảo vệ chính quyền Myanmar khỏi sự chỉ trích của quốc tế, ngăn chặn sự lên án cuộc đảo chính của Hội đồng Bảo an LHQ.

Vài ngày trước khi nổ ra đảo chính, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Sergei Shoigu đã đến thăm Myanmar để hoàn tất thỏa thuận cung cấp vũ khí mới: hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1, máy bay không người lái giám sát Orlan-10E và thiết bị radar.

"Giống như một người bạn trung thành, Nga luôn hỗ trợ Myanmar trong những thời khắc khó khăn, đặc biệt là trong 4 năm qua", truyền thông Nga dẫn lời ông Min Aung Hlaing phát biểu trong chuyến thăm của Bộ trưởng Shoigu.

Truyền thông Myanmar ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa hai vị tướng vào đêm trước cuộc đảo chính. Min Aung Hlaing được cho là đã đến thăm Nga 6 lần, gồm cả lần hồi tháng 6 năm ngoái trong dịp Nga kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức.

Các nhà phân tích quân sự Myanmar cho rằng việc Min Aung Hlaing chuyển sang Nga để nhập khí tài quân sự là chủ trương mà Tatmadaw đã khởi xướng từ 10 năm trước khi đất nước Chùa vàng cựa mình chuẩn bị chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 2011 sau 50 năm sống dưới chế độ quân sự. Min Aung Hlaing đã tìm cách biến quân đội thành "quân đội chính quy" thay vì chỉ biết chiến đấu với các nhóm phiến quân ly khai.

"Các nhà lãnh đạo Tatmadaw từ lâu đã muốn nâng cấp các lực lượng vũ trang, nhưng quá trình hiện đại hóa bắt đầu tăng tốc đáng kể từ năm 2011 trở đi", Nay Yan Oo, một nhà phân tích ở Yangon, viết trong một chương cuốn sách "A New Tatmadaw With Old Characteristics", viết về quân đội của Myanmar và Thái Lan gần đây. "Một nhóm lãnh đạo mới đang thúc đẩy Tatmadaw quay trở lại lĩnh vực quốc phòng ... vớimột cuộc cải cách chính quy hóa Quân đội bao gồm: hiện đại hóa quân đội, nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội".

Wezeman thuộc viện hòa bình Stockholm cho biết Trung Quốc chiếm 50% tổng lượng vũ khí nhập khẩu chính của Myanmar từ năm 2014 đến 2019, gồm tàu ​​chiến, máy bay chiến đấu, máy bay vũ trang không người lái, xe bọc thép và hệ thống phòng không. Nga cung cấp 17% nhập khẩu quân sự, "chủ yếu dưới dạng máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu".

Cơ sở dữ liệu của viện xác nhận rằng hóa đơn vũ khí của Myanmar trong giai đoạn 2010-19 đạt 2,4 tỷ USD, bao gồm 1,3 tỷ USD vũ khí do Trung Quốc cung cấp và 807 triệu USD từ Nga. Các máy bay chiến đấu của Nga trong kho khí tài quân sự mới của Myanmar là MiG-29, SDu-30MK và JF-17 và tàu huấn luyện K-8, Yak-130 và G 120TP.

Nguồn gốc của thương mại vũ khí Myanmar-Nga xuất phát từ sự hợp tác quân sự-kỹ thuật bắt đầu vào năm 2001, khi Myanmar nằm dưới sự kiểm soát của Thượng tướng Than Shwe. Sau đó là thỏa thuận hợp tác quân sự năm 2016.

Điều này mở đường cho hàng nghìn sĩ quan quân đội Myanmar được đào tạo khoa học và kỹ thuật tiên tiến ở Nga - đạt hơn 6.000 người vào năm 2019. Nay Yan Oo còn lưu ý: Một bộ phim tài liệu gần đây được phát sóng trên mạng truyền hình của Bộ Quốc phòng Nga với những lời chúc của Tatmadaw "tiết lộ rằng nhiều quân nhân Miến Điện nói thông thạo tiếng Nga",

Mối quan hệ đồng minh ngày càng sâu sắc của Min Aung Hlaing với Nga - để bù đắp ảnh hưởng của Trung Quốc - đã khiến các học giả Myanmar chuyên về các vấn đề quân sự, rất chú ý. Một học giả, người yêu cầu giấu tên, cho rằng sự chuyển biến này liên quan đến lịch sử quân sự Trung Quốc-Myanmar căng thẳng cho đến cuối những năm 1980. Tatmadaw luôn cảnh giác vai trò của Bắc Kinh trong các cuộc xung đột sắc tộc đang diễn ra dọc theo biên giới Myanmar-Trung Quốc. Ngoài chuyện chính trị, lịch sử thì Myanmar cũng không mặn mà với các khí tài quân sự do Trung Quốc sản xuất vì chúng rất hay trục trặc.

"Không giống như Trung Quốc, Nga không đóng một vai trò nào đó trong tiến trình hòa bình của Myanmar, cũng như không có đầu tư rộng rãi vào quốc gia này", vị học giả giấu tên nói. "Việc Nga không có lợi ích địa chiến lược khiến nước này trở thành một đối tác hấp dẫn".

Một nhà ngoại giao châu Á cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng Min Aung Hlaing vẫn đang để tai nghe ngóng các báo cáo về một đường dây tuồn vũ khí của Trung Quốc vào các thành trì của quân nổi dậy dọc theo biên giới phía đông của Myanmar. Đường dây không chỉ cung cấp đạn dược mà còn có cả tên lửa đất đối đất 107 mm và tên lửa đất đối không do Trung Quốc sản xuất.

"Cá nhân Min Aung Hlaing không tin tưởng vào Trung Quốc", nhà ngoại giao này nói. "Chỉ có Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu đối với Myanmar - không phải Nga".

Theo Nikkei

Anh Tú (theo The Print)