Mặt trái của cuộc cách mạng dầu đá phiến

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:41, 13/03/2018

Cái gì cũng sẽ có những mặt trái, và cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ cũng không phải là một ngoại lệ.
Ô nhiễm môi trường và cản trở sự phát triển của các loại năng lượng tái tạo là mặt trái của cuộc cách mạng dầu phiến ở Mỹ - Ảnh: Internet

Mỹ sẽ vượt qua Nga và trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, đó là dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố vào đầu tháng 3 vừa qua. Đó không chỉ là một bước ngoặt ngoạn mục đối với ngành công nghiệp dầu của riêng nước Mỹ vốn luôn ở trong tình trạng suy giảm suốt nhiều thập kỷ vừa qua, mà còn là một bước ngoặt với bức tranh năng lượng toàn cầu. Nhưng, cái gì cũng sẽ có những mặt trái, và cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ cũng không phải là một ngoại lệ.

Gần như không ai có thể đưa ra dự báo chính xác về tác động mà sự đột phá công nghệ trong khai thác dầu đá phiến có thể tạo ra ở thời điểm hiện tại. Công nghệ khoan và tách dầu từ các mỏ dầu phiến bằng phương pháp sức ép thủy lực đã được biết tới từ cách đây khoảng hơn một thập niên, nhưng hiệu quả kinh tế là không lớn do chi phí vẫn còn khá cao và khó có thể cạnh tranh với dầu được khai thác ở các mỏ thông thường. Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi khi công nghệ này được cải thiện dần từ thời điểm năm 2009, và sự bùng nổ bắt đầu khi công nghệ được hoàn thiện đáng kể vào năm 2015. Các nhà kinh tế ước tính rằng đã có khoảng 725.000 việc làm trong ngành công nghiệp dầu ở Mỹ được tạo ra trong giai đoạn 2005 - 2012, giai đoạn công nghệ khai thác dầu phiến vẫn chưa hoàn chỉnh. Và kể từ 2016, theo ước tính ngành công nghiệp này sẽ tạo ra khoảng 4,6 triệu việc làm mới và đem lại một khoản doanh thu lên tới 3.500 tỉ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng rõ ràng là nước Mỹ khi ông Trump nhậm chức đang bước vào một giai đoạn hưởng lợi lớn từ ngành công nghiệp năng lượng, tương tự như những gì ông Putin đã được hưởng ở nước Nga vào đầu những năm 2000.

Khó có thể nói hết các tác động tích cực mà cuộc cách mạng dầu phiến này đem lại cho nước Mỹ. Chưa cần nói tới các lợi ích to lớn về địa chính trị (liên quan đến Nga, Ả Rập Saudi hay Iran…), chỉ riêng những lợi ích về kinh tế cũng đã là quá lớn với Mỹ. Ngoài nguồn lợi từ xuất khẩu dầu, thì khí đốt cũng là một yếu tố quan trọng khác. Việc sản xuất được một lượng khí đốt khổng lồ (sản phẩm thu được cùng với dầu khi khai thác các mỏ dầu phiến) giúp các ngành sản xuất sử dụng than ở Mỹ có một lựa chọn rẻ và sạch hơn.

Nhưng, như bất cứ điều gì khác, cuộc cách mạng dầu phiến này cũng có những mặt trái. Trước hết là các vấn đề về ô nhiễm môi trường ở các mỏ khai thác dầu phiến. Công nghệ khoan tách bằng thủy lực hiện nay đang đồng nghĩa với nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, và có thể gây ra động đất nữa. Chưa kể, rò rỉ khí metan cũng là một nguy cơ lớn trong quá trình thu khí đốt như một sản phẩm thứ hai của việc khai thác dầu.

Tuy nhiên, mặt trái lớn nhất của cuộc cách mạng này, đó là nó có thể biến thành một trở ngại cho quá trình chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo ở Mỹ cũng như trên thế giới. Trong khi đối thủ kinh tế của Mỹ là Trung Quốc đang đặt cược vào tương lai của ngành năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió, thì Mỹ có vẻ như không mấy mặn mà với điều đó. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới, và cũng đang đặt mục tiêu đứng đầu thế giới về xe điện và tái chế pin lithium-ion. Mục tiêu của Bắc Kinh không gì khác ngoài việc trở thành một cường quốc xuất khẩu năng lượng tái tạo vốn được xem là một xu hướng của tương lai. Mục tiêu này không chỉ có ý nghĩa về giá trị kinh tế, mà còn cả về chiến lược nữa. Khi Trung Quốc đã là một cường quốc xuất khẩu năng lượng tái tạo, nước này có thể đạt được vị thế tương tự như những cường quốc xuất khẩu dầu và khí đốt hiện nay như Ả Rập Saudi và Nga có được. Sẽ có ngày càng nhiều các nước muốn nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Bắc Kinh hơn là mua dầu và khí đốt từ Mỹ hay Nga, do các vấn đề về giảm ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa thực sự quyết tâm làm điều tương tự như Trung Quốc. Việc Tổng thống Donald Trump không hứng thú với thỏa thuận khí hậu toàn cầu ở Paris là một ví dụ điển hình. Xu hướng bảo hộ các ngành sản xuất trong nước (một phần lớn vẫn sử dụng than) đang khiến cho nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo ở Mỹ bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng dầu phiến có thể trở thành một vật cản còn lớn hơn nữa. Khi một ngành công nghiệp có thể tạo ra cả triệu việc làm và doanh thu hàng ngàn tỉ USD, thì khó có thể nghĩ đến chuyện giảm quy mô hoạt động của nó được.

Cuộc cách mạng dầu phiến thậm chí còn đang thách thức cả cuộc cách mạng về công nghệ xe điện đang được khởi xướng bởi một công ty Mỹ là Tesla. Dù Tesla đang được xem là tập đoàn dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này, nhưng thực tế là đến giờ Chính phủ Mỹ vẫn chưa có bất cứ dự án phát triển loại phương tiện giao thông mới này. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt tay vào thực hiện từ lâu. Mục tiêu của Bắc Kinh là doanh số xe điện đạt khoảng 1 triệu trong năm 2018, và trở thành cường quốc số 1 về loại công nghệ mới này. Mọi thứ có thể sẽ trở nên quá trễ nếu như Tổng thống Donald Trump không nhận thức được tình hình và mất quá nhiều thời gian để ra quyết định. Cuộc cách mạng dầu phiến có thể thúc đẩy kinh tế Mỹ và vị thế của nước này trên thế giới theo một cách mạnh mẽ chưa từng thấy, nhưng nó cũng đang là vật cản lớn trên con đường dẫn đến tương lai.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)