Tết xa quê thời Covid
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:53, 12/02/2021
Đó là cảnh tượng đón giao thừa thường gặp của những người Việt xa quê trên đất Pháp, vì chẳng mấy khi ngày Tết Nguyên đán được rơi đúng vào ngày nghỉ cuối tuần.
Pháp vốn là đất nước của lễ tết và hội hè đình đám. Bởi vậy, nhìn bề mặt người ta dễ cho rằng Tết Nguyên đán cổ truyền đã không còn quan trọng nữa ở chốn đất khách tha hương này. Thế nhưng, với những ai đang ở cách đất nước hơn vạn cây số đường chim bay thì mới thấy cái chữ Tết được viết in hoa này luôn khiến con người ta dậy lên nỗi niềm nhớ quê da diết. Với họ, Tết không chỉ đơn giản là dịp ăn mừng ngày mở đầu cho một năm mới m lịch, sâu xa hơn, nó đã là sợi dây tâm thức kết nối những đứa con mang trong mình dòng máu Việt với cội nguồn.
Ở Pháp muốn “ăn” cái Tết đúng vị, đúng chất thật ra đã không còn quá khó khăn như những năm về trước. Các siêu thị châu Á và Việt Nam luôn đầy ắp những hàng hóa ngày Tết. Điều đặc biệt, hàng hóa Việt bị đẩy giá cao lên đến nhiều lần do hàng nhập khẩu vẫn được bà con ưu tiên lựa chọn trong những ngày này. Có lẽ trong dịp Tết, cái việc ăn nó không chỉ để ngon, để no mà để hoài niệm, để bớt nhớ nhung và để được làm một người Việt chưa biến màu đổi chất. Đắt thì mặc cho đắt mà vẫn thấy thỏa dạ thỏa lòng! Bởi lẽ đồng hành với những kệ hàng hóa Việt là đầy ắp những ký ức sâu đậm như chưa từng phai nhạt: cảnh các mẹ, các chị tỉ mỉ ngồi tách củ kiệu, lau khô lá dong lá chuối..., mùi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngào ngạt tỏa ra từ những chảo đường đang sôi ùng ục..., tiếng tí tách bên những nồi bánh tét bánh chưng đang đỏ lửa..., tiếng trống lân lại vang lên đâu đó ở đầu làng cuối ngõ..., những chợ hoa trên bến dưới thuyền náo nhiệt người mua kẻ bán... Và còn nhiều nhiều nữa những hình ảnh thân thương khác như những thước phim tua nhanh đưa người ta vượt không gian lẫn thời gian trở về quá khứ, trở về bên lũy tre, giếng nước, ao làng.
Nhưng hàng hóa thì có thể nhập khẩu chứ cái không khí rộn ràng, cái chất tình đất tình quê mỗi khi Tết đến xuân về ấy đâu có phương tiện nào đủ sức mà chuyên chở được. Bởi vậy thật dễ hiểu là tại sao ai nấy đều muốn về quê ăn Tết, dù chi phí đắt đỏ hơn những lúc khác gấp nhiều lần thì cũng ráng tích cóp mà về.
Nhưng đâu phải ai cũng có đủ cái điều kiện mỗi năm về quê đón Tết một lần. Để phần nào giúp cho những người không có điều kiện về thăm quê, các hội đoàn người Việt đều cố gắng tổ chức các sự kiện văn hóa giúp bà con tạm nguôi ngoai nỗi nhớ. Những sự kiện này luôn được bà con trông chờ. Vì Tết ngoài để ăn ra còn là dịp để đoàn tụ và gặp gỡ. Chưa kể, với nhiều người ở cách xa khu người Việt, đến với những sự kiện này có còn là cơ hội để được nói tiếng Việt cho “sướng miệng”.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Hai câu thơ này càng đúng hơn với các chùa Việt tại nước ngoài. Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, nhiều chùa Việt cũng là nơi gìn giữ nhiều phong tục tập quán còn nguyên vẹn hơn cả trong nước. Nhưng những ngôi chùa Việt số lượng không nhiều mà lại thường tọa lạc ở những nơi các phương tiện giao thông công cộng khó tiếp cận. Thế nên không phải người Việt nào cũng đủ điều kiện đến thường xuyên. Do vậy, mỗi dịp Tết đến, mái chùa cũng là nơi người Việt hay tìm không chỉ để cầu nguyện cho một năm bình an mà còn là tìm về với vốn phong tục cha ông được bảo tồn nơi đất khách. Ngày Tết, có chùa còn dựng cả cây nêu, tổ chức nấu bánh chưng, lễ hội chợ quê, du xuân bói Kiều...
Thế nhưng Tết năm nay, quả là một cái Tết rất khác vì mọi thứ đều đảo lộn:
Dù có muốn được tốn kém cho những chuyến thăm quê ăn Tết đi chăng nữa thì dịch COVID-19 cũng không cho phép bạn toại nguyện!
Dù có muốn nguôi ngoai bằng cách tìm đến các hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống thì dịch COVID-19 cũng không giúp bạn toại nguyện!
Dù có muốn tìm chỗ dựa tâm linh để vượt qua những nỗi sợ hãi mà đón cái Tết bình an thì dịch COVID-19 cũng không giúp bạn toại nguyện!
Trong đủ thứ đảo lộn ấy, nhiều người Việt lẫn Pháp đều chịu chung số phận thất nghiệp tạm thời. Những khó khăn về kinh tế có vẻ sẽ còn đáng sợ hơn dịch bệnh. Ắt hẳn điều đó sẽ làm nhiều người khó khăn hơn để chuẩn bị cho một cái Tết đề huề.
Nhưng chắc chắn việc ăn Tết sẽ không bị COVID-19 cản trở đâu! Bởi lẽ nhìn sâu xa, Tết năm nay sẽ không hề nhuốm màu u ám. Do COVID-19, nhiều người còn công việc đa phần chuyển sang làm việc từ xa. Năm nay bà con người Việt tại Pháp sẽ không còn phải tất bật nơi công sở giữa thời khắc giao thừa thiêng liêng, sẽ không hối hả lao về nhà sau khi tan ca, sẽ quây quần bên người thân đón giao thừa cùng lúc với quê nhà.
Trên bàn ăn năm nay, tin rằng những món ăn Việt sẽ lại đủ đầy hơn các năm trước vì tài nghệ ẩm thực được hun đúc sẵn trong dòng máu người Việt lại có dịp phát huy. Song song đó, trong các nhóm nhỏ trên mạng xã hội, các dịch vụ cung cấp món ăn Tết truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa kiệu... nhằm kiếm thêm thu nhập bù đắp cho những ngày thất nghiệp đang rất được bà con xa quê nhiệt tình ủng hộ nhau như là một cách cùng vượt qua mùa dịch. Tin rằng, tình người trong mùa dịch sẽ làm cái Tết xa xứ lạnh lẽo trở nên ấm áp. Rồi Tết sẽ vẫn là một cái Tết đúng nghĩa! Và cái hẹn sang năm về quê ăn Tết sẽ là sự xác tín không là lời hứa suông.
Bởi lẽ không phải chỉ riêng mỗi năm nay, mà từ nhiều năm về trước, Tết luôn là dịp để giúp người người Việt xa xứ củng cố niềm tin rằng: qua Tết mọi thứ đều sẽ tốt lên! Còn riêng Tết năm nay, nó còn giúp cho người ta cảm nhận rõ nét hơn lời một bài hát cứ lâu lâu lại ngân lên từ trong vô thức: Khi mà còn thiếu quê hương ta còn biết sẽ đi về nơi đâu?