Đội ngũ phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hùng hậu của ông Biden
Quốc tế - Ngày đăng : 16:01, 12/02/2021
Điểm nhấn đầu tiên chính là sự ra đời ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hợp nhất giữa ban Vấn đề châu Á phụ trách Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Úc với ban Nam Á phụ trách Ấn Độ.
Quy mô ban mới thành lập lên đến 15 - 20 thành viên, đứng đầu là điều phối viên Kurt Campbell – người đặt nền móng cho chiến lược xây dựng mạng lưới liên minh cùng quan hệ đối tác để kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Phát ngôn viên NSC Emily Horne khẳng định đây là ban lớn nhất trong Hội đồng An ninh quốc gia, thể hiện rõ họ ưu tiên những vấn đề chính sách xung quanh Trung Quốc cũng như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm công việc về Trung Quốc liên quan đến mọi đơn vị nên các ban công nghệ và an ninh quốc gia, an ninh sinh học và an ninh y tế toàn cầu, quốc phòng, dân chủ và nhân quyền, kinh tế quốc tế đều tham gia hoạch định chính sách.
“Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đặt trọng tâm vào Trung Quốc”, theo phát ngôn viên Horne.
Cựu quan chức NSC Ryan Hass cho biết cơ cấu Hội đồng An ninh quốc gia thay đổi dựa trên ưu tiên từng thời kỳ: ban Vấn đề châu Âu từng có quy mô lớn nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, sau vụ khủng bố 11.9 thì ban Trung Đông trở nên hùng hậu, nay đến ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền Biden dường như đã chấp nhận khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và sẽ tiếp cận khu vực một cách nghiêm túc như từng làm với khu vực khác trước đây.
Không chỉ thành lập ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quy mô lớn, NSC còn tập hợp nhiều chuyên gia chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Họ đều nhất trí rằng quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là mối quan hệ “cạnh tranh” chứ không phải “hợp tác, kiên nhẫn” như trước.
Laura Rosenberger - chuyên gia từng làm việc cho NSC và Bộ Ngoại giao Mỹ - nay quay trở lại với chức vụ cố vấn cấp cao về Trung Quốc. Bà cùng học giả Zack Cooper thuộc Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ vừa có bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs xác định rằng cạnh tranh giữa các nền dân chủ với Trung Quốc không chỉ là về sức mạnh quân sự mà còn diễn ra trên mặt trận chính trị, kinh tế, thông tin, công nghệ. Giá trị dân chủ là một lợi thế trong cuộc cạnh tranh này.
Điều phối viên về dân chủ và nhân quyền Shanthi Kalathil vào tháng 1 viết bài bày tỏ lo ngại quanh nguy cơ vài quốc gia như Trung Quốc thực thi “quyền lực sắc bén” (sharp power).
Bà Kalathil mô tả “quyền lực sắc bén” là nỗ lực làm suy yếu tự do ngôn luận, gây nguy hại và vô hiệu hóa những thể chế độc lập, bóp méo môi trường chính trị. Nữ chuyên gia lấy ví dụ đội ngũ quản trị TikTok kiểm duyệt nội dung đăng tải đề cập đến quảng trường Thiên An Môn, vấn đề Tây Tạng hay loạt vấn đề mà giới chức Trung Quốc xem là nhạy cảm.
Điều phối viên về công nghệ và an ninh quốc gia Tarun Chhabra thì kêu gọi phe cánh tả tại Mỹ cần đồng lòng với cánh hữu trong cạnh tranh với Trung Quốc, vì quốc gia châu Á sớm muộn gì cũng trở thành mối đe dọa ghê gớm đối với lợi ích Mỹ. Ông đặc biệt nhấn mạnh Mỹ cần duy trì ưu thế cạnh tranh trên lĩnh vực công nghệ bằng cách tăng đầu tư cho những công nghệ đầy hứa hẹn chưa có ứng dụng thương mại rõ ràng.
Theo cựu quan chức Haas, số thành viên NSC mới từng làm việc cùng nhau dưới thời Tổng thống Barack Obama nên chia sẻ nhiều quan điểm chung. Và nay họ đều nhận định Mỹ đang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, công nghệ là yếu tố cốt lõi trong cuộc cạnh tranh này.