Xác định vật thể xa nhất trong hệ Mặt trời
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:35, 12/02/2021
Độ sáng vốn có của Farfarout cho thấy vật thể này rộng khoảng 400 km, chỉ vừa đủ để xếp vào nhóm hành tinh lùn. Nhưng ước tính kích thước trên dựa theo giả định vật thể cấu tạo phần lớn từ băng và điều đó có thể thay đổi sau khi quan sát thêm.
Sao Diêm Vương quay quanh Mặt trời ở khoảng cách trung bình 39 AU (mỗi AU là khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trời, bằng 149.6 triệu km). Chính vì thế FarFarOut thực sự rất xa. Các nhà nghiên cứu hiện đã thu thập đủ dữ liệu bổ sung để xác nhận sự tồn tại của Farfarout và bắt đầu tìm hiểu quỹ đạo của nó.
Kết quả là Farfarout được đặt tên bởi Trung tâm hành tinh nhỏ tại Cambridge, Massachusetts, nơi chuyên nhận dạng, đặt tên và tính toán quỹ đạo của các vật thể nhỏ trong hệ Mặt trời. Theo đó, tên gọi tạm thời của Farfarout là 2018 AG37, trong khi tên riêng theo hướng dẫn của Liên minh Thiên văn quốc tế vẫn đang chờ xử lý.
“Quỹ đạo của Farfarout quay quanh Mặt trời mất tới một thiên niên kỷ. Do chu kỳ quỹ đạo dài này, Farfarout di chuyển rất chậm trên bầu trời, đòi hỏi vài năm quan sát để xác định chính xác đường bay của nó”, David Tholen, thành viên nhóm nghiên cứu và là nhà thiên văn tại Đại học Hawaii, nhận định.
Các nhà thiên văn đã phát hiện Farfarout bằng kính viễn vọng Subaru 8 mét trên Maunakea ở Hawaii, sau đó lần theo quỹ đạo của nó bằng kính thiên văn Gemini North và Magellan.
“Với tiến bộ trong vài năm gần đây của máy ảnh kỹ thuật số lớn trên kính viễn vọng, chúng ta có thể phát hiện ra những vật thể rất xa như Farfarout”, Scott Sheppard, nhà khoa học chuyên về các vật thể nhỏ trong hệ Mặt trời tại Viện Khoa học Carnegie, cho biết.
Các nhà nghiên cứu xác định Farfarout hiện cách mặt trời khoảng 132 AU. Quỹ đạo của nó hiện nay theo hình elip, dao động giữa các cực 27 AU và 175 AU nhờ lực hấp dẫn do sao Hải Vương tạo ra.
Chad Trujillo, nhà thiên văn học ngoại hành tinh tại Đại học Bắc Arizona nói: “Farfarout có khả năng đã bị văng ra vành ngoài hệ Mặt trời do đến quá gần sao Hải Vương trong quá khứ xa xôi”.
Vì sao Hải Vương đóng một vai trò lớn với Farfarout nên hành tinh này có khả năng không thể giúp các nhà thiên văn tìm ra Hành tinh thứ chín. Đó là giả thuyết về một hành tinh lớn phía rìa ngoài hệ Mặt trời được đề cập đến vào năm 2014.
Sự tồn tại của Hành tinh thứ chín được suy ra từ ảnh hưởng trọng trường giả định của nó lên các thiên thể nhỏ rất xa Mặt trời, có quỹ đạo tụ lại theo những cách kỳ lạ. Tuy nhiên, các thế giới nhỏ trong cuộc tìm kiếm Hành tinh thứ chín lại không chịu ảnh hưởng của sao Hải Vương, không giống như Farfarout.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra Farfarout qua việc quan sát sâu bên ngoài hệ Mặt trời tối và lạnh giá. Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy vật thể Farout và một hành tinh lùn xa xôi có biệt danh “The Goblin”.