Hàng trăm ngàn người Myanmar biểu tình, quân đội lần đầu triển khai xe bọc thép
Quốc tế - Ngày đăng : 08:07, 15/02/2021
Các cuộc biểu tình tiếp tục ở Myanmar vào Chủ nhật hôm qua 14.2, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp người dân xuống đường sau khi quân đội nước này thực hiện cuộc đảo chính và quản thúc các nhà lãnh đạo dân chủ.
Theo Reuters, cuộc biểu tình lần này lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua, với hàng trăm nghìn người đã đổ ra đường vào Chủ nhật bất chấp nguy cơ đối đầu cảnh sát. Và họ tiếp tục thực hiện chiến dịch bất chấp chính quyền quân sự vừa trao thêm công cụ cho an ninh hôm thứ bảy. Theo đó, lực lượng an ninh được phép giam giữ các nghi phạm trong hơn 24 giờ hoặc khám xét tài sản riêng mà khỏi cần trát của tòa án.
Những người biểu tình tiếp tục đòi trả tự do cho bà Suu Kyi và đưa đất nước quay trở lại nền dân chủ. Thế nhưng, chính phủ quân sự mới của Myanmar từ chối yêu cầu này, bất chấp các cuộc biểu tình lớn đã kéo dài nhiều ngày.
Đợt biểu tình lần này đã huy động được các lực lượng dân chúng đa dạng. Các báo cáo cho thấy rất nhiều người đã tham gia vào các cuộc biểu tình, từ các nhà hoạt động trẻ tuổi đến các nhà tu hành, các giáo viên... Một số nhà hoạt động đã kêu gọi một cuộc tổng đình công trong tuần này, mặc dù không rõ thông điệp đó đã lan truyền rộng rãi đến mức nào.
Nhiều người biểu tình mặc màu đỏ hiện thân cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi, đảng đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 111 vừa qua. Những người biểu tình giơ ba ngón tay chào - một biểu tượng của sự phản kháng lấy cảm hứng từ Hunger Games đã được những người Myanmar và các quốc gia khác trong khu vực sử dụng.
Theo Al Jazeera, cho đến nay, việc phản đối đã có một số thành quả nhất định. Các cuộc đình công và bất tuân dân sự khiến "các chuyến tàu phải dừng lại, các bệnh viện phải đóng cửa và các bộ ở thủ đô Naypyidaw rơi vào căng thẳng trong bối cảnh hàng loạt người tuần hành xung quanh".
Thinzar Shunlei Yi, một người tham gia biểu tình nói với Al Jazeera: “Mục đích trước mắt là tước đi quyền lực của quân đội bằng cách ngăn chặn mọi cơ chế quản lý của quân đội.
Chính quyền quân sự của Myanmar đã phản ứng để dẹp cuộc biểu tình. Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và WhatsApp đều đã bị chặn ở Myanmar, lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với một số nhà hoạt động tiếng tăm và lực lượng an ninh đã triển khai vòi rồng chống lại những người biểu tình.
Chính quyền cũng sử dụng đạn cao su và cả đạn thật để giải tán những người biểu tình gần một nhà máy điện phục vụ thành phố Myitkyina hồi cuối tuần qua.
Hôm Chủ nhật, quân đội đã triển khai xe bọc thép ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. Đây là lần đầu tiên xe bọc thép xuất hiện trên đường phố kể từ khi diễn ra cuộc đảo chính vào ngày 1.2, khiến đại sứ quán Mỹ ở đó kêu gọi công dân Mỹ ở Myanmar “trú ẩn tại chỗ”.
Theo Vox, quân đội Myanmar có lịch sử sử dụng vũ khí để dập tắt các cuộc biểu tình, có lẽ đáng chú ý nhất là lần xảy ra hồi năm 1988. Tính đến nay, ít nhất một người biểu tình đã bị bắn và được cho là trong tình trạng nguy kịch với "tổn thương não”.