Cắt internet – công cụ mới của nhiều chính quyền độc tài

Quốc tế - Ngày đăng : 09:23, 15/02/2021

Quân đội Myanmar khi tiến hành đảo chính đã rất nhanh chóng cắt truy cập internet nhằm ngăn chặn biểu tình. Mất mạng internet cũng xảy ra tại Uganda và Ethiopia.

Trên khắp thế giới, cắt internet trở thành chiến thuật ngày càng phổ biến của chính quyền không ít quốc gia để “bịt miệng” tiếng nói bất đồng chính kiến hoặc che đậy hành vi vi phạm nhân quyền. Giới nghiên cứu cho biết các chính quyền thường cắt internet đối phó biểu tình/ bất ổn dân sự, vì họ cố gắng giữ quyền lực bằng cách hạn chế luồng thông tin. Cách này tương đương biện pháp kiểm soát đài phát thanh hay đài truyền hình.

Theo tổ chức bảo mật kỹ thuật số Top10VPN, năm 2020 có 93 lần cắt internet lớn ở 21 quốc gia – chưa tính đến Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Hình thức cắt khá đa dạng: cắt toàn bộ, giảm tốc độ truy cập, chặn nền tảng truyền thông xã hội.

Cắt internet gây thiệt hại lớn về chính trị, kinh tế và nhân đạo. Thiệt hại càng nghiêm trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến mọi người phải làm việc và học tập tại nhà.

Tại Myanmar, truy cập internet bị cắt đến vài lần mà mới đây nhất là ngày 15.2 – với mục đích rõ ràng là ngăn biểu tình. Công ty Telenor ASA (Na Uy) vận hành một hệ thống mạng không dây lớn ở quốc gia Đông Nam Á này cho biết Bộ Truyền thông Myanmar hạ lệnh cắt internet lấy lý do chặn tin giả lan truyền, giữ gìn lợi ích quốc gia cũng như lợi ích công chúng.

Trước đó một trong những đợt cắt internet dài nhất thế giới xảy ra ở hai bang Rakhine và Chin, kéo dài từ tháng 6.2019 đến tháng 2.2020. Quân đội Myanmar muốn làm gián đoạn hoạt động của các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang.

myanmar-mobile-crackdown.jpg
Internet tại Myanmar từ đầu tháng 2 đến nay nhiều lần bị cắt - Ảnh: Coda Story

Internet ở vùng Tigray thuộc Ethiopia gián đoạn từ lúc giao tranh bùng nổ tháng 11.2020. Mất mạng internet gây khó khăn cho việc xác định mức độ xung đột, con số thương vong, tình trạng thiếu lương thực.

Tại Uganda, hạn chế truy cập nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Youtube có hiệu lực trước ngày bầu cử Tổng thống 14.1. Ngày bỏ phiếu chứng kiến tình trạng mất mạng. Chính quyền tuyên bố làm vậy để đề phòng lực lượng ủng hộ phe đối lập khơi mào biểu tình. Đến ngày 3.2 thì hạn chế mới được dỡ bỏ ngoại trừ Facebook.

Internet tại Belarus ngừng trong 61 giờ sau cuộc bầu cử ngày 9.8 trao chiến thắng gây tranh cãi cho nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko. Truy cập mạng qua nhiều tháng vẫn chưa ổn định trở lại – đặc biệt vào những đợt biểu tình cuối tuần.

Ấn Độ cũng nhiều lần sử dụng biện pháp cắt internet, chủ yếu ở Kashmir. Nhưng thời qua qua đến lượt một số nơi khác chịu tình trạng mất mạng do nổ ra biểu tình của nông dân.

Chuyên gia quản trị công Darrell West thuộc Viện nghiên cứu Brookings lo ngại về nguy cơ ngày càng nhiều quốc gia “noi theo” những nước đã dùng đến cách trên.

“Ban đầu có thể chỉ áp dụng quy mô địa phương nhưng sau đó sẽ mở rộng”, theo chuyên gia West.

Cẩm Bình