Trung Quốc chọn tân Đại sứ tại Mỹ: ‘chiến lang’ hay ôn hòa?
Quốc tế - Ngày đăng : 14:14, 16/02/2021
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Chu Chí Quần thuộc đại học Bucknell: “Giới chức Bắc Kinh chắn chắn cần một người đủ sức góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Vài năm qua khá khó khăn và có vẻ hai bên đều sẵn sàng khởi động lại. Đây là một cơ hội tốt”.
Một số nhà phân tích khác nêu ra một số đức tính quan trọng cho nhân vật nắm giữ vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là lý tính, dễ đoán, khiêm tốn.
Chuyên gia Tôn Vân thuộc Trung tâm Stimson nhận định xét cấp bậc cùng kinh nghiệm làm việc, Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc đạt đủ điều kiện thay thế Đại sứ đương nhiệm Thôi. Hơn nữa nhà ngoại giao này trẻ hơn ông Thôi đến 11 tuổi.
“Mọi người muốn thấy phong cách làm việc khác biệt mặc dù tình trạng quan hệ song phương có thể chẳng thay đổi”, theo chuyên gia Tôn.
Nhà nghiên cứu James Green thuộc đại học Georgetown - từng là nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh - đã có dịp làm việc với Thứ trưởng Mã khi ông còn giữ chức Trưởng phòng Hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Ông ấy rất thông minh, nhưng thiếu kiến thức về kinh tế và hơi giáo điều”, nhà nghiên cứu Green mô tả. Theo nhà nghiên cứu thì Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành - nhân vật cũng phụ trách hoạnh định chính sách và giỏi giao tiếp - sáng giá hơn.
Giáo sư Andrew Mertha thuộc đại học John Hopkins lại đánh giá Thứ trưởng Mã đáng tin hơn: “Ông ấy sẽ làm việc một cách thẳng thắn nhưng không nhất thiết thi hành chính sách “chiến lang” nhằm chứng tỏ lòng trung thành. Đại sứ Thôi là nhà ngoại giao tài năng không ai sánh kịp trong vài năm qua. Rất khó noi theo ông nhưng Thứ trưởng Mã có thể là người thích hợp vào đúng thời điểm”.
Giới phân tích lại xác định thêm vài ứng viên khác: Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Lưu Kết Nhất, cựu quan chức ngoại giao Phó Oánh, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ. Bất kể ai nhận nhiêm vụ thì họ đều phải đối diện với một công việc cực kỳ khó khăn.
Đại sứ Thôi vốn dĩ đã kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017 – lúc Tổng thống Donald Trump bắt đầu nắm quyền, tuy nhiên ông được yêu cầu ở lại. Áp lực không chỉ đến từ chính quyền Trump mà còn từ giới chức Bắc Kinh hay thay đổi, theo nhà nghiên cứu Green.
Căng thẳng của công việc ngoại giao từng bộc lộ vào tháng 3 năm ngoái, Đại sứ Thôi từng công khai phát biểu bác bỏ tuyên bố “điên rồ” từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cho rằng COVID-19 rất có thể do quân nhân Mỹ mang đến thành phố Vũ Hán lúc sang tham dự sự kiện.
“Suy đoán như vậy chẳng giúp ích gì mà còn gây hại. Chúng ta phải có câu trả lời về nguồn gốc vi rút, nhưng đây là việc của nhà khoa học chứ không phải của nhà ngoại giao”, Đại sứ Thôi nói trên đài Axios.
Khó có khả năng giới chức Bắc Kinh chọn nhân vật “chiến lang” như phát ngôn viên Triệu thay thế Đại sứ Thôi, vì họ còn khá trẻ và cấp bậc chưa đủ cao để đảm nhận vị trí này. Hơn nữa, bổ nhiệm một nhân vật quá cứng rắn gửi đi tín hiệu Trung Quốc không muốn cải thiện quan hệ.