Mỹ muốn thảo luận vấn đề Trung Quốc tại hội nghị G7, Bắc Kinh 'nóng mặt'

Quốc tế - Ngày đăng : 15:03, 18/02/2021

Mỹ cho biết chủ đề “thách thức Trung Quốc” sẽ được đưa ra trong cuộc họp tại thượng đỉnh G7, Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản pháo.

Trong một tuyên bố hồi đầu tuần, Nhà Trắng tiết lộ, Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 trực tuyến diễn ra ngày 19.2.

Đây sẽ là cuộc họp G7 đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.

Theo đó, "tầm quan trọng của việc cập nhật các quy tắc toàn cầu để giải quyết các thách thức kinh tế, chẳng hạn như những thách thức do Trung Quốc đặt ra" sẽ là một trong những vấn đề chính ông Biden dự kiến chú trọng để thảo luận, cùng với phản ứng quốc tế đối với đại dịch COVID-19 và kinh tế thế giới phục hồi.

best-stocks-to-buy-president-joe-biden-2021.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Getty

Phản ứng về cuộc họp và chương trình nghị sự thảo luận liên quan đến vấn đề Trung Quốc, Bắc Kinh cho biết họ phản đối "chính trị bè phái" và đối đầu ý thức hệ.

“Chúng tôi phản đối chính trị nhóm dựa trên sự chia rẽ ý thức hệ, hình thành các bè phái độc quyền và áp đặt ý chí của một nhóm thiểu số các quốc gia lên xã hội quốc tế. Những hành vi như thế này sẽ không được cộng đồng quốc tế ủng hộ, cũng như không mang lại lợi ích cho chính các quốc gia này, và sẽ chỉ đẩy thế giới tới sự chia rẽ và thậm chí là đối đầu”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 16.2.

Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc nói thêm rằng tất cả các cuộc họp quốc tế nên tuân thủ cơ chế đa phương và các vấn đề quốc tế nên được giải quyết trên cơ sở hợp tác giữa các nước. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ phối hợp với nhau để giúp thế giới này tốt đẹp hơn thay vì tồi tệ hơn, hòa bình hơn thay vì hỗn loạn hơn, đoàn kết hơn thay vì chia rẽ hơn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc căng thẳng với nhiều thành viên nhóm G7

Mối quan hệ giữa Trung Quốc không chỉ căng thẳng với Mỹ mà còn với các quốc gia thành viên khác của G7, trong đó có Canada và Anh - quốc gia đã giữ chức chủ tịch G7 trong năm nay.

Hôm 16.2, Bắc Kinh đã gọi Canada là “đạo đức giả và đáng khinh bỉ” khi dẫn đầu liên minh Mỹ cùng 57 nước khác ra một sáng kiến nhằm ngăn chặn các quốc gia giam giữ công dân nước ngoài để làm đòn bẩy ngoại giao, một phương pháp mà Ottawa và Washington cho rằng Trung Quốc và một số nước đang sử dụng.

Cụ thể, ngoại trưởng 58 quốc gia, hầu hết là các nước phương Tây, Úc, Nhật, đã ký một sáng kiến không ràng buộc nhằm tố cáo việc bắt giữ tùy tiện công dân nước ngoài do một số chính phủ chuyên quyền bảo trợ vì mục đích chính trị, và thường được sử dụng như những lá bài thương lượng trong quan hệ quốc tế.

Ngoại trưởng Canada Marc Garneau gọi các hành động bắt giữ tùy tiện này là hành vi không thể chấp nhận được. “Việc làm bất hợp pháp và trái đạo đức này khiến công dân của tất cả các quốc gia gặp rủi ro và nó làm suy yếu nền pháp quyền. Điều này không thể chấp nhận được và nó phải dừng lại. Có đến 1/4 các quốc gia trên thế giới tán thành là minh chứng cho tầm quan trọng toàn cầu của sáng kiến”, ông nói.

Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm gia tăng áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc, nơi 2 công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị giam giữ kể từ tháng 12 năm 2018. Họ bị bắt ngay sau khi nhà chức trách Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc điều hành của Huawei theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hôm 16.2 bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối việc Ottawa ban hành “sáng kiến chống giam giữ tùy tiện” với các nước khác, gọi hành động này là “không có thiện ý và xuyên tạc sự thật”. “Nỗ lực của phía Canada nhằm gây áp lực với Trung Quốc bằng cách sử dụng ngoại giao tuyên truyền phóng đại hay lôi kéo liên minh là hoàn toàn vô ích và sẽ chỉ đi vào ngõ cụt”, đại sứ quán Trung Quốc cho hay.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn cũng gia tăng giữa Bắc Kinh và London về một loạt vấn đề, bao gồm cả Hồng Kông và Huawei. Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom) hồi đầu tháng 2 thu hồi giấy phép phát sóng kênh CGTN của Trung Quốc tại nước này, do sai phạm trong sở hữu giấy phép. Quyết định thu hồi giấy phép phát sóng của CGTN được Ofcom ban hành sau một loạt cuộc điều tra nhắm vào kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc này.

Một tuần sau, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm phát sóng đài BBC World News của Anh ở đại lục trong khi đài truyền hình Hồng Kông (RTHK), cũng cho biết họ đang tạm ngừng tiếp sóng các chương trình tin tức trên đài BBC. Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cho biết các bản tin phát sóng trên BBC World News về Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng” yêu cầu “trung thực và công bằng” đồng thời làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu tình đoàn kết dân tộc.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã bày tỏ quan ngại việc nhóm điều tra của WHO bị hạn chế tiếp cận dữ liệu về COVID-19 ở Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson còn khẳng định ông “hoàn toàn ủng hộ” chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc bày tỏ “những lo ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hoàng Vũ