Nhiều trang mất lượng view khủng, Thủ tướng Úc bức xúc, Facebook lên tiếng việc chặn chia sẻ tin tức
Thế giới số - Ngày đăng : 15:45, 18/02/2021
Chính phủ bị “bịt mắt” vì Facebook đột nhiên chặn tất cả tin tức trên nền tảng ở Úc nhưng cho biết hành động nặng tay này sẽ không ngăn Quốc hội thông qua các luật mang tính bước ngoặt để buộc các gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho hoạt động báo chí.
Người Úc thức dậy sáng 18.2 và phát hiện không thể xem hoặc chia sẻ tin tức trên Facebook. Lý do vì Facebook chặn chia sẻ nội dung tin tức sau khi bị Úc ép trả tiền cho các công ty truyền thông để hiển thị nội dung.
Facebook phản đối luật phương tiện truyền thông tin tức do chính phủ liên bang Úc đề xuất đã được Hạ viện thông qua và dự kiến sẽ sớm được Thượng viện phê chuẩn.
Hôm 18.2, Thủ tướng Úc - Scott Morrison nói rằng việc Facebook thể hiện sức mạnh sẽ “xác nhận việc ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về hành vi của các công ty công nghệ khổng lồ, cho rằng họ lớn hơn chính phủ và các quy tắc không nên áp dụng cho họ”.
Ông Scott Morrison viết trên Facebook: “Hành động hủy kết bạn với Úc hiện nay của Facebook, cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là sự ngạo mạn và đáng thất vọng. Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ điều hành nó”.
Bộ trưởng Truyền thông Úc - Paul Fletcher cảnh báo rằng các công ty hoạt động ở Úc “cần phải tuân thủ luật do Quốc hội được bầu của nước này thông qua”.
Nhiều bộ trưởng Úc nói với Quốc hội hôm 18.2 rằng động thái của Facebook là "cuộc tấn công vào nền dân chủ” và sẽ làm tổn hại danh tiếng của công ty Mỹ.
Bộ trưởng Ngân khố Úc - Josh Frydenberg lên án Facebook vì quyết định chặn quyền truy cập của người Úc vào các fanpage chính phủ giữa đại dịch COVID-19, bao gồm cháy rừng, sức khỏe tâm thần, các dịch vụ khẩn cấp và thậm chí cả Cục Khí tượng, nói rằng chúng hoàn toàn không liên quan đến đề xuất luật thương lượng truyền thông tin tức.
Lệnh cấm Facebook được đưa ra 1 ngày sau khi chính phủ kỷ niệm việc Hạ viện thông qua luật thương lượng truyền thông tin tức đầu tiên trên thế giới và chỉ vài giờ sau khi News Corp ký thỏa thuận toàn cầu với Google để trả tiền cho nội dung tin tức trong các ấn phẩm của họ ở Úc, Anh, Mỹ.
Google đã thực hiện các giao dịch thương mại riêng lẻ với hàng chục nhà xuất bản Úc bên ngoài luật này, trong đó có Nine Entertainment và Seven West Media. Mỗi thương vụ được cho trị giá hàng chục triệu USD.
Facebook đã tương đối im ắng cho đến khi Chính phủ Úc xôn xao vì việc bị chặn chia sẻ tin tức chưa từng có.
Có 18 triệu người Úc sử dụng, Facebook đã chặn chia sẻ tin tức và xóa sạch nội dung trên fanpage các công ty truyền thông, bao gồm cả các đài truyền hình công cộng, đài phát thanh và trang phi tin tức, đồng thời vô tình xóa sổ các trang hỗ trợ cộng đồng, sức khỏe phụ nữ và bạo lực gia đình trong quá trình này.
Bộ trưởng Ngân khố Úc - Josh Frydenberg cho biết động thái từ Facebook đã xác nhận “sức mạnh thị trường to lớn của những công ty kỹ thuật số truyền thông khổng lồ này”.
“Những công ty khổng lồ này ngày càng hiện diện rất nhiều trong nền kinh tế của chúng ta và trong bối cảnh kỹ thuật số. Chính phủ Morrison vẫn cam kết tuyệt đối trong việc lập pháp và thực hiện quy tắc", ông Josh Frydenberg nói.
Facebook đổ lỗi cho định nghĩa của Úc về nội dung tin tức trong bộ quy tắc thương lượng truyền thông tin tức cho lệnh cấm "vô tình" với các trang chính phủ.
Người phát ngôn của Facebook cho biết: “Các trang của chính phủ sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định ngày hôm nay. Công ty sẽ đảo ngược lệnh cấm với các trang đó. Các hành động chúng tôi đang thực hiện tập trung vào việc hạn chế các nhà xuất bản và người dân ở Úc chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Úc và quốc tế. Vì luật không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa của nội dung tin tức, chúng tôi đưa ra một định nghĩa rộng để tôn trọng luật như đã soạn thảo”.
Josh Frydenberg cho biết ông có cuộc nói chuyện dài "mang tính xây dựng" với Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg sau khi việc chặn chia sẻ tin tức được áp dụng và nói rằng có "một số cách hiểu khác nhau về cách bộ luật thương lượng truyền thông tin tức mới sẽ hoạt động".
Josh Frydenberg báo hiệu có thể có chỗ để đàm phán và ông sẽ "làm rõ một số vấn đề với Facebook" trong vài ngày tới.
Chính phủ Úc đã thực hiện những thay đổi nhỏ cho luật phù hợp sau một số khiếu nại của Google về phiên bản ban đầu của nó.
Việc chặn chia sẻ tin tức ở Úc cho thấy điều bất thường trong cam kết của Facebook về việc chống lại thông tin sai lệch.
“Chúng tôi muốn có các thỏa thuận thương mại theo bộ quy tắc, chúng tôi muốn triển khai và lập pháp, đồng thời muốn những người chơi chính ở lại đây và tiếp tục cung cấp các dịch vụ mà người Úc yêu thích. Vì vậy, chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề đó với Facebook", Josh Frydenberg nói.
Michael Miller, Chủ tịch điều hành News Corp Australia, nhận xét động thái “đáng thất vọng” của Facebook “rõ ràng khuyến khích tin tức giả mạo so với tin tức đáng tin cậy và thể hiện sức mạnh thị trường phi thường mà Facebook đang nắm giữ”.
Daily Mail Australia, một trong những trang tin nhận được nhiều lưu lượng truy cập từ Facebook, coi đây là động thái gây hại.
Người phát ngôn của Daily Mail nói: “Rất nhiều cho cam kết của Facebook đối với tự do ngôn luận. Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi động thái gây bức xúc này, đó là nỗ lực trắng trợn và vụng về nhằm cố gắng đe dọa Chính phủ Úc giảm bớt các điều khoản của bộ luật thương lượng truyền thông tin tức. Chúng tôi tin tưởng rằng các chính trị gia của Canberra sẽ đứng vững, bỏ qua trò này của Facebook bằng cách thông qua luật mà không thay đổi và thực thi nó theo đúng văn bản của luật”.
David Anderson, Giám đốc điều hành của ABC News, cho biết họ là dịch vụ tin tức kỹ thuật số số một và là hãng truyền thông đáng tin cậy nhất của Úc. Ông khuyến khích người Úc truy cập các ứng dụng và trang web bên ngoài Facebook.
Anderson nói: “Bất chấp các vấn đề chính như đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tất cả người dân Úc, Facebook hôm nay đã xóa các nguồn thông tin, tin tức quan trọng và đáng tin cậy khỏi nền tảng của mình”.
Nine Entertainment, nhà xuất bản trang Sydney Morning Herald and the Age, cho biết quyết định "đáng tiếc" của Facebook không mang lại lợi ích cho ai.
Nine Entertainment bình luận: “Facebook bây giờ sẽ là nền tảng để thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng mà không có sự cân bằng. Hành động này một lần nữa chứng minh vị thế độc quyền và hành vi bất hợp lý của họ".
Việc Facebook chặn chia sẻ tin tức sẽ có tác động nghiêm trọng đến các nhà xuất bản nhỏ hơn và các công ty tin tức dành cho giới trẻ, chẳng hạn Junkee Media.
Cuộc điều tra của Quốc hội Úc cho thấy phần lớn lưu lượng truy cập của Junkee Media (75%) đến từ Facebook và Google.
Từ chối bình luận về chuyện trên, Seven West cũng dựa vào Facebook để có rất nhiều lưu lượng truy cập.
Reset Australia, một sáng kiến toàn cầu hoạt động để chống lại các mối đe dọa kỹ thuật số với nền dân chủ, nói quyết định của Facebook trong việc chặn chia sẻ tin tức từ người dùng Úc cho thấy nền tảng này ít quan tâm đến việc chống thông tin sai lệch như thế nào.
“Facebook chặn tin tức giữa đại dịch, khi thông tin chính xác là kế hoạch quan trọng của phản ứng sức khỏe cộng đồng, thực sự cho thấy tất cả những gì bạn cần biết về mức độ quan tâm của Zuckerberg với xã hội và sự gắn kết của Úc”, Giám đốc điều hành của Reset Australia - Chris Cooper, nói.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ có trách nhiệm của Viện Úc - Peter Lewis cho biết quyết định chặn chia sẻ tin tức báo chí vì lợi ích công cộng sẽ khiến Facebook trở thành một mạng xã hội yếu hơn.
“Facebook đang phá hủy giấy phép hoạt động mạng xã hội của nó. Hành động này có nghĩa là Facebook thất bại trong việc bảo vệ quyền riêng tư, thông tin sai lệch và dữ liệu nên sẽ đòi hỏi một sự thúc đẩy lớn hơn để có quy định mạnh mẽ hơn từ chính phủ”, Peter Lewis cho hay.