Đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho phi công, tiếp viên ngay đợt 1

Sự kiện - Ngày đăng : 17:20, 18/02/2021

Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên tiêm vắc xin đợt 1 cho các đối tượng thuộc nhóm nhân viên hàng không.
vac-xin-covid-19.jpg

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, việc khử trùng tàu bay trên các chuyến bay quốc tế và khu vực phục vụ chuyến bay quốc tế được quy định ở các văn bản khác nhau và chưa có sự thống nhất, nên Cục kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Giao thông vận tải thống nhất với cơ quan y tế liên quan về việc giám sát, kiểm tra và khử trùng tàu bay, nhà ga hàng hóa... tại các cảng hàng không, sân bay do kiểm định viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương (CDC) thực hiện.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết tại các cảng hàng không, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm vi rút cao. Do đó, Cục Hàng không đề nghị ưu tiên cho các nhóm nhân viên được tiêm vắc xin đợt 1 gồm: nhân viên làm thủ tục hành khách, nhân viên phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp viên, phi công, kiểm soát viên không lưu.

"Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch và sớm vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam, Cục Hàng không cũng đề nghị giao cho các hãng hàng không Việt Nam đảm nhiệm vận chuyển chính trong các đợt vận chuyển vắc xin của Chính phủ Việt Nam", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị.

Trong ngày hôm nay (18.2), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ký văn bản chấp thuận cho Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch, dự kiến về Việt Nam vào ngày 28.2. Đơn hàng có giá trị trong vòng 1 năm.

Vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca là vắc xin đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu có điều kiện. Theo thỏa thuận, AstraZeneca sẽ cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm nay từ các nhà máy sản xuất tại Anh, Đức và Italy.

Tuyết Nhung