Các thành viên ASEM sẽ hỗ trợ thêm cho ĐBSCL chống chọi biến đổi khí hậu

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:49, 20/06/2018

Nhiều thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh thành ĐBSCL, nhằm phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: Nguyễn Hồ

Trong chiều 19 và sáng 20.6, Hội nghị ASEM “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tương lai” diễn ra tại TP.Cần Thơ, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều chủ đề quan trọng. Đó là phát triển trong bối cảnh BĐKH, xây dựng năng lực thích ứng BĐKH, tăng cường vai trò và sự tham gia của các bên liên quan và tăng cường hợp tác giữa 2 châu lục Á - Âu trong ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững.

Nhiều đại biểu cho rằng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về BĐKH là những khuôn khổ toàn cầu góp phần xử lý những vấn đề cốt lõi của phát triển, tạo động lực mới cho tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, phát thải thấp, nâng cao khả năng tự cường của người dân, cộng đồng và quốc gia.

Các đại biểu tại hội nghị - Ảnh: Nguyễn Hồ

Nhiều kinh nghiệm thực tiễn, điển hình hay ở các thành viên Á - Âu cũng được chia sẻ tại hội nghị, nhất là trong phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH, bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, phát triển cơ sở hạ tầng ứng phó BĐKH... Nhiều thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh thành ĐBSCL, nhằm phát triển bền vững thích ứng với BĐKH.

Các đại biểu nhất trí vấn đề ứng phó BĐKH cần được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững cũng như các nỗ lực xóa nghèo. Đồng thời, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xây dựng các cộng đồng tự cường…, tạo động lực mới cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng cho mọi người dân.

Tại phiên tổng kết, hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp tăng cường phối hợp hành động trong ASEM. Nổi bật là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH…

Các thành viên ASEM cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH, đặc biệt về hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ xanh, sạch, tăng cường hợp tác ASEM về giảm chất thải nhựa ra đại dương và ủng hộ các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng nhất trí ủng hộ các cơ chế hợp tác tiểu vùng và khu vực, trong đó có hợp tác Mekong - Danube.

Các đại biểu được giới thiệu về các loại trái ngon ở ĐBSCL- Ảnh: Nguyễn Hồ

Phát biểu bế mạc, Trưởng quan chức cao cấp ASEM của Việt Nam nhấn mạnh các kết quả của hội nghị đã góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEM về tăng cường hợp tác liên khu vực và hành động quyết liệt hơn để ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Các khuyến nghị chính sách và hành động cụ thể được thông qua tại hội nghị sẽ đóng góp xây dựng những hướng hợp tác mới của ASEM về ứng phó BĐKH. Sau 2 ngày làm việc, hội nghị đã nhất trí thông qua báo cáo để trình lên Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels vào tháng 10.2018.

Tại hội nghị, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu euro đã và đang được các nước cam kết tài trợ của Việt Nam trong ứng phó BĐKH:

- EU tài trợ Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ 108 triệu euro thực hiện “Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo”.

- Cà Mau chuẩn bị triển khai dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn” bằng vốn vay của Ngân hàng KfW (Đức) với kinh phí 331 tỉ đồng.

- Chính phủ Đức cũng viện trợ không hoàn lại 5,1 triệu euro cho Bạc Liêu thực hiện 2 dự án “Quản lý bền vững hệ sinh thái vùng ven biển Bạc Liêu” và “Thích ứng với BĐKH thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học”.

- Ninh Bình, Hà Tĩnh và TP.Cần Thơ đang được Pháp tài trợ 52,35 triệu euro (trong đó, 1 triệu euro không hoàn lại) để thực hiện dự án “Nâng cao khả năng thích ứng của các địa phương dễ bị tác động của BĐKH, sự tăng tần suất và cường độ của những hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng”.

Hội nghị ASEM là sáng kiến chung của 8 thành viên thuộc Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) gồm: Úc, Bỉ, Đan Mạch, Italia, Phần Lan, Hà Lan, Myanmar và Việt Nam. Hội nghị tại Cần Thơ là sáng kiến đầu tiên của ASEM về ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững.

Nguyễn Hồ