Xét nghiệm là chìa khóa để khôi phục sản xuất trong thời COVID-19
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:21, 22/02/2021
Trong những ngày qua, tình hình COVID tại các tỉnh phía Bắc vô cùng phức tạp. Điều này ảnh hưởng to lớn đến việc khôi phục sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế trong năm.
COVID ở Hải Dương có ổ dịch từ các khu công nghiệp và điều này khiến các tỉnh đặc biệt cảnh giác. Khu công nghiệp là nơi có mật độ người dày đặc nên một khi xảy ra dịch thì hậu quả vô cùng lớn.
Việc kiểm soát đang được thắt chặt. Trước đây, công nhân tại các khu công nghiệp hầu hết chỉ cần thực hiện khai báo y tế bắt buộc, tuân thủ các quy định như phải đo thân nhiệt, kiểm tra khẩu trang, hướng dẫn sát khử khuẩn tay mỗi khi có khách ra vào cơ sở sản xuất. Hay ngặt nghèo hơn là trong quá trình sản xuất thì tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
Nhưng hiện giờ, việc sàng lọc được thực hiện gắt gao hơn. Nhiều nơi đã yêu cầu chủ doanh nghiệp, cán bộ, viên chức và người lao động của doanh nghiệp phải xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính thì mới được đi làm. Việc phải tiến hành xét nghiệm như vậy cũng cần thiết để phòng chống dịch bệnh.
Các doanh nghiệp cũng ủng hộ việc thực hiện xét nghiệm để chắc chắn công nhân của mình không bị dịch bệnh làm lây lan cho đồng nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Chỉ có điều, việc xét nghiệm cần phải tiến hành nhanh và chính xác để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Việt Nam hiện đang được coi là điểm sản xuất uy tín trong chuỗi cung ứng sản xuất trên thị trường quốc tế gần đây. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu rất cần có đủ nhân công để thực hiện đúng theo tiến độ đơn hàng với đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính thì mới được vào làm việc ngay thì các doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để thực hiện xét nghiệm.
Đến đây, bài toán xét nghiệm đang trở thành thách thức với không ít doanh nghiệp. Có một vài doanh nghiệp than vãn họ không biết tìm đâu ra chỗ để xét nghiệm COVID nhanh và chính xác cho người lao động. Điều đó có thể đẩy doanh nghiệp đến chỗ nhắm mắt đưa chân tìm đến cơ sở (dù có giấy phép) không đáp ứng được số lượng và chất lượng xét nghiệm như kỳ vọng.
Điều đó rất nguy hiểm vì khi không đủ năng lực thì sai sót sẽ dễ xảy ra hơn. Ví dụ tiêu biểu chính là trường hợp nữ công nhân Hải Dương sang Nhật âm tính khi xét nghiệm tại Việt Nam nhưng lại có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi nhập cảnh tại Osaka (Nhật Bản). Nếu phía Nhật không phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời để Việt Nam sớm truy vết và cách ly thì hậu quả khôn lường.
Hay trường hợp khác là một cụ bà ở Hải Dương bị xác định dương tính với COVID-19 khi đi mổ ruột thừa nhưng hôm sau thì lại cho ra kết quả âm tính. Vì kết quả sai lệch đó mà xã Ngọc Sơn đã phải dựng rào chắn, thiết lập vùng cách ly y tế tạm thời đối với đoạn ngõ dài 200m gồm 47 hộ dân với 148 nhân khẩu và phun khử khuẩn khu vực này.
Việc xét nghiệm COVID-19 không thể chính xác tuyệt đối 100% nhưng ở các cơ sở lớn, có năng lực, trang thiết bị hiện đại và khối lượng kinh nghiệm lớn thì chắc chắn độ chính xác sẽ cao hơn, giảm thiểu sai sót và tạo niềm tin hơn cho cộng đồng. Do vậy, thiết nghĩ Bộ Y tế và các ban ngành chức năng tại địa phương cũng nên có khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể hơn cho các doanh nghiệp tìm đến các đơn vị có năng lực xét nghiệm, đồng thời công bố các đơn vị đã từng có sai sót trong xét nghiệm COVID-19 như đơn vị xét nghiệm cho nữ công nhân Hải Dương sang Nhật như nêu ở trên.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp địa phương là ngoài các đơn vị xét nghiệm có thương hiệu đã được biết đến thì Bệnh viện tuyến Trung Ương đặt tại địa phương, CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) địa phương và các đơn vị xét nghiệm do CDC địa phương khuyến cáo là các đơn vị xét nghiệm có độ tin cậy.