Facebook khôi phục các trang tin tức sau khi Úc điều chỉnh luật truyền thông
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:00, 23/02/2021
Úc và Facebook gặp bế tắc trong đàm phán hơn một tuần qua, khi chính phủ ban hành luật thách thức sự thống trị của Facebook, Google trên thị trường nội dung tin tức.
Facebook tuần trước đã chặn tất cả nội dung tin tức và một số tài khoản của chính quyền bang cùng cơ quan khẩn cấp.
Sau một loạt cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Ngân khố Úc - Josh Frydenberg và Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg cuối tuần qua, thỏa thuận nhượng bộ đã được ký kết.
Úc sẽ đưa ra bốn sửa đổi, bao gồm cả thay đổi cơ chế trọng tài bắt buộc được sử dụng khi các gã khổng lồ công nghệ không thể đạt được thỏa thuận với các nhà xuất bản tin về việc thanh toán hợp lý cho việc hiển thị nội dung tin tức.
“Chúng tôi hài lòng khi Chính phủ Úc đã đồng ý với một số thay đổi và đảm bảo giải quyết mối quan tâm cốt lõi của mình về việc cho phép các giao dịch thương mại công nhận giá trị mà nền tảng mà chúng tôi cung cấp cho các nhà xuất bản so với giá trị nhận được từ họ”, Facebook cho biết trong thông báo trực tuyến.
Các sửa đổi bao gồm thời gian hòa giải 2 tháng trước khi trọng tài do Chính phủ Úc chỉ định can thiệp, giúp các bên có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận riêng.
Facebook nói các thay đổi quy tắc của Úc cho phép họ lựa chọn các nhà xuất bản tin tức. Điều đó cũng đưa ra quy tắc rằng đóng góp của một công ty internet vào “sự bền vững của ngành công nghiệp tin tức Úc” thông qua các giao dịch hiện có được tính đến.
Vấn đề đã được quốc tế theo dõi rộng rãi khi các quốc gia khác như Canada và Anh xem xét áp dụng luật tương tự Úc.
“Những sửa đổi này sẽ cung cấp sự rõ ràng hơn nữa cho các nền tảng kỹ thuật số và các doanh nghiệp truyền thông tin tức về cách luật dự kiến hoạt động, củng cố khuôn khổ để đảm bảo các doanh nghiệp truyền thông tin tức được trả công công bằng”, ông Frydenberg nói.
Điều đáng nói là đến hôm qua (22.2), Úc cho biết sẽ không thực hiện thêm thay đổi nào với luật.
Một phát ngôn viên của nhà xuất bản và đài truyền hình Nine Entertainment hoan nghênh sự thỏa hiệp của chính phủ, mà họ cho biết đã đưa “Facebook trở lại các cuộc đàm phán với các tổ chức truyền thông Úc”.
Người phát ngôn của Google từ chối bình luận.
Ban đầu cả Google và Facebook đều đã vận động chống lại luật. Song tuần trước, công ty tìm kiếm Mỹ đã ký thỏa thuận với các hàng tin hàng đầu Úc, bao gồm cả thỏa thuận toàn cầu với hãng truyền thông News Corp của ông trùm Rupert Murdoch.
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc - Rod Sims, kiến trúc sư chính của luật, không đưa ra bình luận ngay lập tức.
Trước đó, Facebook cho biết luật được đề xuất về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa họ và các nhà xuất bản, lập luận rằng các hãng tin tự nguyện đăng các liên kết bài viết trên mạng xã hội này. Điều đó đã giúp các nhà xuất bản Úc kiếm được khoảng 407 triệu USD Úc vào năm 2020 thông qua giới thiệu. Thế nên Facebook phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng là cố gắng tuân thủ luật hoặc cấm nội dung tin tức.
Facebook đổ lỗi cho định nghĩa của Úc về nội dung tin tức trong bộ quy tắc thương lượng truyền thông tin tức cho lệnh cấm "vô tình" với các trang chính phủ nhưng đã đảo ngược quyết định đó.
Hôm 22.2, nhóm vận động hành lang DIGI, đại diện cho Facebook, Google và các nền tảng trực tuyến khác như Twitter, nói rằng các thành viên của họ đã đồng ý áp dụng quy tắc trong toàn ngành để giảm sự lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến.
Theo quy tắc tự nguyện, họ cam kết nhận diện và dừng các tài khoản không xác định (hoặc bot), phổ biến nội dung; thông báo cho người dùng về nguồn gốc của nội dung; xuất bản một báo cáo minh bạch hàng năm cùng các biện pháp khác.