Mối liên hệ giữa nhiệt độ và sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:00, 23/02/2021

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiệt độ hàng ngày và tỷ lệ lây nhiễm ở 50 quốc gia ở Bắc bán cầu để tìm ra ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sự lây truyền SARS-CoV-2.
covid-19.jpg
Nghiên cứu mới cho thấy rằng khi nhiệt độ tăng thì tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 giảm

Đại dịch COVID-19 đã gây ra biến động lớn, khiến 2,47 triệu người chết trên toàn thế giới, trong đó có hơn 500.000 trường hợp ở Mỹ. Hiểu được tác động của sự thay đổi nhiệt độ theo mùa đối với việc lây truyền vi rút là một yếu tố quan trọng để giảm sự lây lan của chúng trong những năm tới.

SARS-CoV-2 là chủng coronavirus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người. Hầu hết vi rút thuộc họ này đều có đặc điểm là tăng khả năng lây truyền trong những tháng mát, ít ẩm và giảm vào những tháng ấm, ẩm ướt hơn. Với sự hiểu biết này, các nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Christina Lee Brown của Đại học Louisville, Đại học Johns Hopkins và Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra giả thuyết rằng nhiệt độ khí quyển cũng ảnh hưởng đến sự lây truyền SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu nhiệt độ hàng ngày và các trường hợp COVID-19 được ghi nhận tại 50 quốc gia ở Bắc bán cầu trong khoảng thời gian từ ngày 22.1 đến ngày 6.4.2020. Nghiên cứu được công bố vào ngày 17.2 trên PLOS ONE, cho thấy rằng khi nhiệt độ tăng thì tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 giảm.

Phân tích dữ liệu trong khoảng từ 30 đến 100 độ F (-1 độ C đến 37 độ C) cho thấy, nhiệt độ hàng ngày tăng 1 độ F có liên quan đến việc giảm 1% tỷ lệ gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 và nhiệt độ giảm 1 độ F tương ứng với tỷ lệ tăng 3,7%. Dữ liệu này được lấy từ thời kỳ đầu của đại dịch nên kết quả không bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang hoặc các nỗ lực khác để ngăn chặn vi rút.

“Mặc dù COVID-19 là bệnh lây truyền không phụ thuộc vào nhiệt độ, nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng nó cũng có thể phụ thuộc vào thời tiết từng mùa”, Aruni Bhatnagar, Giám đốc của Viện Môi trường Christina Lee Brown cho biết.

“Tất nhiên, ảnh hưởng của nhiệt độ lên tốc độ lây truyền bị thay đổi bởi các biện pháp can thiệp như giãn cách xã hội, thời gian ở trong nhà và các yếu tố khác. Sự kết hợp của các yếu tố này cuối cùng quyết định sự lây lan của COVID-19”, Aruni Bhatnagar nói thêm.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những tháng mùa hè có liên quan đến việc lây truyền COVID-19 chậm lại, giống như ở các loại vi rút hô hấp theo mùa khác. Hiệu ứng theo mùa này có thể hữu ích trong việc lên kế hoạch tại địa phương cho các biện pháp xã hội và xác định thời điểm vi rút bùng phát trở lại.

Tại Mỹ, COVID-19 tăng đột biến trong mùa hè, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng dựa trên dữ liệu phân tích, nhiệt độ mùa hè mát hơn cũng có thể dẫn đến số trường hợp mắc bệnh cao hơn. Dữ liệu cũng chỉ ra rằng mối tương quan giữa nhiệt độ và sự lây truyền lớn hơn nhiều so với tương quan giữa nhiệt độ và sự phục hồi hoặc tử vong do COVID-19.

Tiến sĩ Adam Kaplin của Đại học Johns Hopkins, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Sự hiểu biết về độ nhạy cảm với nhiệt độ của SARS-CoV-2 có ý nghĩa quan trọng trong việc dự đoán diễn biến của đại dịch. Chúng tôi không biết các loại vắc xin hiện có sẽ duy trì tác dụng trong bao lâu, cũng như rủi ro của các biến thể mới phát triển theo thời gian là gì khi Bắc và Nam bán cầu tiếp tục lây truyền COVID-19, qua lại đường xích đạo, do các mùa đối nghịch nhau. Nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng, giống như các loại vi rút theo mùa khác, SARS-CoV-2 có thể khó bị ngăn chặn theo thời gian trừ khi có một nỗ lực toàn cầu phối hợp để chấm dứt đại dịch này”.

Long Hải