Chuyện về một vũ công da màu bị phân biệt đối xử tại trường múa ba lê danh giá thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 14:08, 23/02/2021
“Năm 2018, tôi trở thành vũ công ba lê da đen đầu tiên được gia nhập vào công ty ba lê chính của Berlin là Staatsballett. Múa ba lê này là niềm ước mơ từ thuở nhỏ của tôi, và vũ đoàn này là một trong những ngôi trường tốt nhất trên thế giới.
Thế nhưng, vào tháng 10 năm ngoái, tôi được thông báo rằng hợp đồng của tôi sẽ không được gia hạn tiếp vào mùa hè này. Tôi tin rằng, nguyên nhân vì những “phàn nàn” mà tôi đã đưa ra về việc phân biệt chủng tộc và sự đối xử bất công mà tôi đã phải chịu đựng từ cô giáo dạy ba lê của mình, mặc dù công ty cho biết quyết định trên được đưa ra vì "lý do nghệ thuật". Sau khi cố gắng xử lý vấn đề trong nội bộ, tôi đã công khai câu chuyện của mình với Der Spiegel, The Guardian và New York Times.
Tôi đã phải chịu đựng sự trầm cảm và tủi nhục - và tôi không phải là vũ công duy nhất từng trải qua những lời xúc phạm và lăng mạ trong nghề nghiệp của mình. Những hành vi như vậy được xem là đương nhiên trong múa ba lê, ngay từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ và bắt đầu được đào tạo. Chúng tôi không muốn nói về hành vi tiêu cực này bởi vì chúng tôi được dạy là “không nên”.
Chúng tôi bắt đầu múa ba lê từ khi còn nhỏ, thường thì khoảng 7 hay 8 tuổi. Các giáo viên dạy cho chúng tôi rất kỷ luật và nghiêm khắc, nhưng họ cũng dạy chúng tôi không được phàn nàn và phải chịu đựng trong sự im lặng và "lịch sự." Nhiều vũ công trẻ được đào tạo tin rằng, để trở thành một diễn viên múa ba lê, đau đớn là một phần của quá trình. Bậc thầy ba lê nên đối xử với các vũ công một cách tôn trọng và tử tế.
Sự im lặng cũng có tính lây lan và chúng tôi không được hỗ trợ hoặc bảo vệ gì hết. “Quyền lực” mà các tổ chức trao cho những người dạy ba lê là điều không thể phủ nhận. Vào cuối ngày, họ là những người ở cùng chúng tôi trong trường quay và cũng là những người cho chúng tôi cơ hội để cải thiện, phát triển. Ở trong các công ty này, chúng tôi chỉ có hợp đồng gia hạn một hoặc hai năm.
Thế giới ba lê này rất nhỏ và lên tiếng chống lại một công ty được quý trọng có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn.
Những trải nghiệm của tôi về phân biệt chủng tộc không phải là hiếm. Tôi đã nghe đi nghe lại những định kiến rằng các vũ công da đen không đủ linh hoạt hoặc không có đôi chân phù hợp, hoặc các vũ công châu Á không đủ biểu cảm.
Ba lê được xem là dành cho các vũ công da trắng, từ giày và đồ trang điểm mà chúng tôi mặc cũng đều được thiết kế cho người da trắng. Đôi giày ba lê màu nude dành cho vũ công da đen không tồn tại cho đến năm 2018. Tôi luôn phải mua đồ trang điểm cho riêng mình, vì kem nền cũng luôn dành cho da trắng. Tôi luôn là vũ công duy nhất phải tự làm tóc cho mình, vì các nhà tạo mẫu tóc không biết cách làm việc với một mái tóc của người da đen. Tại Staatsballett, có 95 vũ công và tôi là người duy nhất phải tự bỏ tiền túi để trang điểm. Điều này khiến tôi cảm thấy bị mình bị cô lập.
Và nó nhắc nhở tôi rằng khi bạn là người da đen, bạn phải làm việc chăm chỉ hơn bình thường để có những cơ hội.
Thế giới ba lê cần phải thay đổi. Và đây là lúc chúng ta cần thay đổi, trong khi loại hình nghệ thuật này bị rơi vào khủng hoảng trong đại dịch coronavirus. Để nghệ thuật biểu diễn tồn tại, họ phải tiếp cận được nhiều khán giả mới. Trong ba lê, chủ yếu vẫn là người da trắng và những tinh hoa, chúng ta phải làm cho nó dễ tiếp cận hơn bằng cách biến nó thành một loại hình nghệ thuật toàn diện và bình dân hơn.
Chúng ta nên thu hút các vũ công trẻ tài năng và đa dạng vào các trường múa ba lê và bắt đầu xây dựng lại các vũ đoàn ba lê ngay từ đầu để phản ánh một thế giới đa văn hóa mà chúng ta đang sống. Và nên cung cấp cho họ con đường cầu viện thích hợp khi giáo viên hoặc đạo diễn của họ lạm dụng quyền lực.
Nghệ thuật cổ điển nói chung từ lâu đã loại trừ các dân tộc thiểu số vì chúng quá xa xỉ đối với các cộng đồng kém may mắn. Đi xem kịch đã tốn kém và đào tạo nghệ thuật còn đắt hơn nhiều. Trong khi đó, xem phim hay chơi thể thao thì rẻ hơn nhiều.
Tôi lớn lên ở Pháp với một nền giáo dục rất khiêm tốn. Mẹ tôi là một lao công và cha tôi là một công nhân xây dựng. Họ đã phải vay mượn số tiền khi tôi được học bổng tại Học viện Ba lê Bolshoi ở Nga, theo bước chân của hai anh chị em của tôi, cũng là vũ công. Tôi phải thành công và có quá nhiều áp lực với tôi.
Tôi tin rằng chúng ta phải “dân chủ hóa” ba lê để đảm bảo tương lai của môn nghệ thuật này. Nếu các công ty múa ba lê chào đón nhiều người thuộc mọi thành phần đến tham dự các buổi biểu diễn của mình, thì sẽ có nhiều người trẻ yêu thích hơn. Nếu các giám đốc trường múa ba lê thực hiện nhiệm vụ của họ là tìm kiếm và nuôi dưỡng những vũ công đầy khát vọng đó, đồng thời cân bằng sân chơi bất kể chủng tộc hay mức thu nhập, thì những vũ công đa dạng sẽ gia nhập hàng ngũ. Cuối cùng họ sẽ trở thành những bậc thầy múa ba lê, thu hút và giáo dục nhiều vũ công da màu hơn. Và chu kỳ đó sẽ tiếp tục - nhiều trẻ em sẽ được biểu diễn trên sân khấu và họ sẽ nhìn thấy một tương lai trong đôi giày mũi nhọn.
Sẽ thật đẹp khi nhìn một cô gái tóc vàng bên cạnh một cô gái da đen, hay một cô gái da nâu bên cạnh một cô gái châu Á, tất cả đều theo cùng một vũ điệu. Sự đa dạng này không ảnh hưởng gì đến hình ảnh của môn ba lê mà thay vào đó, nó biến thành một sức mạnh lớn lan tỏa".
Theo chú giải trên CNN, trước khi đăng tải bài viết này, CNN Style đã liên hệ với Staatsballett. Staatsballett không đưa ra bình luận gì thêm về lý do sa thải Gomes hoặc những lời khẳng định chống lại bậc thầy ba lê của cô, nhưng thông báo sau đây được công bố trên trang web của công ty về việc nữ vũ công da màu phải tự mua đồ trang điểm cho mình. "Đây là lần đầu tiên vấn đề này được Staatsballett Berlin chú ý đến. Chúng tôi hiện đang xem xét và đã liên hệ với Lopes Gomes."